Một cơn sóng thần đã giết chết ít nhất 281 người và làm bị thương hàng trăm người trên các đảo Java và Sumatra của Indonesia. Thảm họa này không được cảnh báo di tản trước và nguyên nhân gây ra sóng thần được cho là một vụ lở đất dưới đáy biển.
Thiệt hại
Tính đến thời điểm này, khoảng 280 người đã chết và hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hại nặng nề khi sóng thần đổ bộ dọc theo vành đai eo biển Sunda vào cuối ngày thứ Bảy, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan giảm nhẹ thiên tai, cho biết.
Hàng ngàn cư dân đã buộc phải sơ tán lên vùng đất cao hơn và “Những người đã đi chưa thể quay lại ngay,” theo Rahmat Triyono, một cán bộ tại Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý (BMKG). Có nguy cơ xảy ra các trận sóng thần tiếp theo.
Người dân kiểm tra thiệt hại tại một ngôi làng bị sóng thần tàn phá ở Sumur, Indonesia, thứ Hai, ngày 24 tháng 12 năm 2018. Ảnh: Washington Post.
Năm nay, quần đảo rộng lớn Indonesia, nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, đã chứng kiến số tử vong lớn nhất do thảm họa trong hơn một thập kỷ qua. Động đất đã san phẳng nhiều phần của đảo du lịch Lombok vào tháng 7 và tháng 8, và một trận động đất và sóng thần kép đã giết chết hơn 2.000 người trên đảo Sulawesi vào tháng 9.
Sóng thần xảy ra vào mùa lễ Giáng sinh, gợi lên những ký ức về sóng thần Ấn Độ Dương được kích hoạt bởi một trận động đất vào ngày 26 tháng 12 năm 2004, làm 226.000 người chết ở 14 quốc gia, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.
Di tản và cứu hộ
Các cư dân ven biển kể rằng họ không thấy và không nhận được bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào vào tối thứ Bảy, chẳng hạn như nước rút hoặc động đất, trước khi những cơn sóng lớn 2-3 mét bắt đầu đổ vào bờ.
Nhà chức trách sau đó đã cảnh báo người dân và khách du lịch ở các khu vực ven biển quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn sẽ diễn ra cho đến ngày 25/12; các công việc đánh giá rủi ro và cố gắng xác định chính xác nguyên nhân gây ra thảm họa vẫn đang tiếp tục.
Tổng thống Joko Widodo, nói với các phóng viên rằng ông đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan ngay lập tức thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, tìm nạn nhân và chăm sóc cho những người bị thương. Phó Tổng thống Jusuf Kalla cảnh báo rằng số người chết sẽ có khả năng gia tăng.
Thiết bị hạng nặng đang được chuyển đến để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ; cùng với nước và thiết bị vệ sinh. Quân đội cho biết họ đang triển khai phân phát viện trợ và chăn, cũng như gửi cứu thương ra hiện trường.
Nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục nhưng các công nhân và xe cứu thương đang khó tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng vì đường xá bị chặn bởi các công trình đổ vỡ, xe lật và cây đổ. Nhiều hình ảnh và video cho thấy sóng thần đổ bộ bãi biển và khu dân cư Pandeglang trên đảo Java kéo theo các nạn nhân, nhiều mảnh vỡ từ các công trình, những khối gỗ và kim loại lớn, v.v...
Vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của thảm họa, các nhà chức trách tỏ ra cảnh giác với nguy cơ các trận sóng thần tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng và Nhà ở Basuki Hadimuljono cho biết các hoạt động khẩn cấp khẩn cấp sẽ liên tục được thực hiện, nhưng sẽ dừng lại ngay khi có dấu hiệu thủy triều lên cao.
Nguyên nhân
Ben van der Pluijm, một nhà địa chất động đất và là giáo sư tại Đại học Michigan, cho biết nguyên nhân sóng thần có thể do sụp đổ một phần núi lửa Anak Krakatau. "Sự bất ổn của ở sườn dốc của một ngọn núi lửa đang hoạt động có thể gây ra lở đá, làm di chuyển một khối lượng nước lớn, tạo ra sóng thần rất mạnh trong khu vực", anh nói.
Giải thích nguyên nhân sóng thần xảy ra không có cảnh báo, Giáo sư Dougal Jerram từ Đại học Oslo, cho biết: “Không giống như sóng thần gây ra bởi động đất, những cơn sóng thần do núi lửa gây ra có thể không kích hoạt các hệ thống cảnh báo được thiết kế để báo động sau các trận động đất lớn”. Và sự thực là "Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần do sạt lở ngầm dưới biển và núi lửa phun trào gây ra. Hệ thống cảnh báo hiện nay chỉ phát hiện sóng thần khi có động đất", theo Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia.
Nhưng giáo sư Dougal Jerram cũng cho biết “với trường hợp núi lửa Anak Krakatau vốn đang hoạt động thì những vụ phun trào của nó [phun trào núi lửa có thể dẫn đến lở đất] không phải là một sự kiện mới hay bất ngờ.”
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng cho rằng rất khó để cảnh báo những cơn sóng thần cục bộ như trường hợp này, do khoảng cách từ núi lửa đến bờ biển quá gần và sóng đổ bộ với tốc độ cao. “Những cơn sóng thần này rất cục bộ và sẽ cần nhiều nghìn phao bao phủ Ấn Độ Dương thi mới đủ để cảnh báo tất cả các tình huống như vậy”, tiến sĩ Simon Boxall từ Trung tâm Hải dương học Quốc gia, Đại học Southampton, Anh cho biết.
Nguồn:
https://www.washingtonpost.com/world/indonesia-tsunami-kills-at-least-63-as-casualties-continue-to-climb/2018/12/23/b0b8a5f0-0669-11e9-8186-4ec26a485713_story.html?noredirect=on&utm_term=.c708517c4fc5
https://www.reuters.com/article/us-indonesia-tsunami/tsunami-kills-at-least-222-in-indonesia-after-krakatau-eruption-idUSKCN1OL0P2
https://www.theguardian.com/world/live/2018/dec/23/indonesia-tsunami-dozens-dead-hundreds-injured-after-anak-krakatoa-erupts