Số liệu quảng cáo do ByteDance, công ty mẹ của TikTok, công bố đầu năm 2022 cho thấy nền tảng này có gần 40 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam. Trên toàn thế giới, TikTok chỉ mất 5 năm để đạt mốc 1 tỷ người dùng vào năm nay.

Mạng xã hội chia sẻ video ngắn đang gây lo ngại vì phát triển nhanh và có nhóm người dùng chính là thanh thiếu niên, trong khi cách nội dung lan truyền trên nền tảng vẫn chưa rõ ràng.

Cho đến nay, TikTok kém minh bạch và ít được nghiên cứu hơn so với Facebook, Instagram và YouTube. Một phần do đây là một dịch vụ "non trẻ" hơn, nhưng đồng thời TikTok cũng không cung cấp các công cụ như các API cho phép nghiên cứu cách nội dung lưu thông trên nền tảng, như Facebook và Twitter đã làm.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Vì các lý do này, áp lực đối với TikTok đang tăng cao ở nhiều quốc gia và khu vực. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) mới của châu Âu buộc tất cả các mạng xã hội lớn phải chịu trách nhiệm về nội dung, công khai dữ liệu và cả các thuật toán. Các chuyên gia dự kiến đạo luật này sẽ mở ra nhiều bí ẩn xung quanh cách TikTok vận hành.

DSA, được Liên minh châu Âu thống nhất vào giữa năm nay, đặt ra yêu cầu đầu tiên là buộc các mạng xã hội lớn phải chịu trách nhiệm về tác động xã hội của các nội dung lan truyền trên nền tảng. "Với DSA, chúng tôi đảm bảo rằng các nền tảng phải chịu trách nhiệm về những rủi ro mà dịch vụ của họ có thể gây ra cho xã hội và công dân”, Margarethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, cho biết.

“Cơ chế này sẽ cho phép đánh giá các hệ quả và tác động thực tế của nền tảng", Alex Engler, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu tác động xã hội của các thuật toán Brookings Institution, cho biết.

TikTok cũng sẽ phải cho cơ quan quản lý châu Âu quyền truy cập vào các thuật toán gợi ý và đề xuất nội dung cho người dùng, chẳng hạn như các thuật toán vận hành tính năng "Dành cho bạn" và "Xu hướng". Các tính năng gợi ý của TikTok nổi tiếng là "gây nghiện", và nhiều lần đã tạo hiệu ứng viral cho các video có nội dung phản cảm.

Quy định mới của châu Âu cũng nhắm vào các quy trình kiểm duyệt nội dung. Fiesler nói rằng TikTok thường không giải thích rõ ràng lý do tại sao một video bị xóa hoặc tại sao công ty quyết định đảo ngược hoặc duy trì quyết định đó sau khi người dùng "kháng cáo". Một điều khoản của DSA nói rằng mạng xã hội phải nói rõ các lý do này khi thực hiện hành động.

Văn bản pháp lý của đạo luật đang được hoàn thiện và có thể có hiệu lực vào tháng 1/2024. Đạo luật có khả năng thay đổi cách ứng xử của các nền tảng công nghệ bên ngoài châu Âu, bao gồm cả ở Mỹ, theo Anu Bradford, giáo sư tại Trường Luật Columbia. Trước đây một số công ty, chẳng hạn như Microsoft, đã cung cấp các biện pháp bảo vệ cho người dùng trên toàn thế giới sau khi châu Âu áp dụng đạo luật dữ liệu mới.

Nguồn: https://www.wired.com/story/tiktok-transparency-dsa-europe/