Tại cuộc họp các bộ trưởng châu Âu ở Seville, Tây Ban Nha vào ngày 27 và 28/11/2019, quyết định gia tăng ngân sách đầu tư cho Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã được đưa ra với cam kết 12,5 tỷ euro (tương đương 13,8 tỷ USD) giai đoạn 2020 - 2022.
Trong cuộc họp năm 2016, con số này chỉ là 8,6 tỉ euro. Điều đó có nghĩa là ESA có thể thúc đẩy lịch trình thực hiện các dự án tiên phong của mình về sóng hấp dẫn LISA và gia tăng năng lực của thiết bị vệ tinh quan sát khí hậu thế hệ mới Copernicus.
“Với tôi điều này đến một cách bất ngờ, thậm chí còn hơn cả những gì tôi đề xuất”, tổng giám đốc ESA Jan Wörner nói với báo chí sau khi phiên họp kết thúc. Dẫu cho các bộ trưởng châu Âu còn chưa thông báo những hạng mục cụ thể của ngân sách sẽ cấp nhưng theo thông tin mà Wörner biết thì họ cam kết một khoản 10% tổng kinh phí cho các dự án nghiên cứu cơ bản của ESA — nhỏ hơn so với mức tăng thêm nhưng vẫn lớn hơn so với các khoản đầu tư cho khoa học cơ bản suốt 25 năm qua. Kinh phí đầu tư cho khoa học tại ESA từng ở mức thấp trong nhiều năm và bị ảnh hưởng bởi lạm phát. “Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng chúng tôi đã được tăng ngân sách và tôi rất hài lòng về điều đó,” Wörner nói.
Lợi ích lớn
Việc gia tăng ngân sách đầu tư cho phép ESA thực hiện những dự định của mình, trong đó có dự án về dò sóng hấp dẫn, Ăngten không gian giao thoa kế laser (LISA) từ năm 2034 đến năm 2032. Điều này có thể đem lại nhiều lợi ích cho các nhà khoa học: cho phép họ quan sát sự sáp nhập của các lỗ đen siêu khối lượng thông qua những gợn sóng sinh ra từ các cuộc sáp nhập trong không – thời gian và thông qua bức xạ tia X được sinh ra từ suy sụp của vật chất trong vũ trụ, vốn được kính viễn vọng tia X Athena của ESA bắt được. Thiết bị này sẽ được hoàn thành vào năm 2031. Thêm vào đó, việc có thêm kinh phí đầu tư cũng sẽ cho phép ESA rót tiền vào những nhiệm vụ đột xuất, nằm ngoài các dự án lớn này và dự kiến sẽ được lựa chọn từ các đề xuất trong khoảng thời gian 8 năm.
Một phần của ngân sách là một khoản trị giá 432 triệu euro cho các nhiệm vụ an toàn không gian. Các quốc gia châu Âu ủng hộ một nhiệm vụ khoa học và quân sự được biết đến tên gọi HERA mà các nhà khoa học đã tham gia trong vòng 15 năm qua. Nhiệm vụ này được thực hiện để quan sát những hậu quả của chương trình Kiểm tra chuyển hướng ngoại hành tinh kép của NASA.
Nghiên cứu những tác động là điều cốt yếu để hiểu về cách các hành tinh hình thành và cách bảo vệ trái đất khỏi va chạm của các tiểu hành tinh, theo giải thích của Patrick Michel, một nhà nghiên cứu về khoa học hành tinh tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và là nhà nghiên cứu chính trong dự án HERA. Trước đây, đề xuất đã bị gạt khỏi danh sách đầu tư trong cuộc họp năm 2016. “Tôi vô cùng hạnh phúc vì phái đoàn của ESA đã thuyết phục được họ trong phiên họp vừa qua. Đây là khoảng khắc quá đẹp cho các nhiệm vụ nghiên cứu về tiểu hành tinh, quân sự hành tinh và dĩ nhiên là cả khoa học nói chung nữa”, ông nói.
Với các nghiên cứu về con người và robot, các bộ trưởng châu Âu hứa hẹn một khoản đầu tư gần 2 tỉ euro, bao gồm khoảng 300 triệu euro để dành cho vận chuyển và đầu tư vào các mô đun nhà ở cho dự án trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng Gateway của NASA mà ESA tham gia cũng như 150 triệu euro cho các nhiệm vụ nghiên cứu robot khám phá mặt trăng. Bên cạnh đó là kinh phí xây dựng các phần của trạm NASA-ESA trên sao Hỏa. Wörner nói đây là những ví dụ tốt cho ý tưởng “làng trên mặt trăng” của ESA, một tiền đồn trên mặt trăng mà nhiều cơ quan vũ trụ và công ty thương mại cùng đóng góp xây dựng. “Ý tưởng này được đề xuất năm năm trước và giờ cuối cùng thì chúng tôi đang thực thi nó”.
Trong dự án về vận chuyển, ESA sẽ hướng đến các phiên bản được nâng cao chất lượng của thiết bị Ariane và Vega lớn hơn, hiện đại hơn, phát triển các thiết bị đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ. Có thể 80% kinh phí đầu tư cho Space Rider, một hệ tên lửa tái sử dụng của Ý. “Điều quan trọng nhất là Space Rider sẽ bay và hạ cánh,” Wörner nói.
Việc đầu tư cho các dự án này “sẽ cho phép việc nghiên cứu về mặt trăng được thực thi”, Ian Crawford, một nhà khoa học nghiên cứu về hành tinh tại trường đại học Birkbeck London, đánh giá. Ông cho biết. nó sẽ tăng cường khả năng suy cập vào hồ sơ địa lý mặt trăng, vốn có thể giúp tìm hiểu về nguồn gốc của mặt trăng và hệ Trái đất – mặt trăng.
Chiến thắng lớn
Trong khi đó, Copernicus - chương trình quan sát trái đất lá cờ đầu của châu Âu, nhận được một khoản đầu tư đáng ngạc nhiên là 400 triệu euro, nhiều hơn con số ESA đề xuất. Trong mối hợp tác với Liên minh châu Âu, ESA sẽ phát triển các hệ vệ tinh giám sát môi trường trong khuôn khổ chương trình Copernicus. Khoản tăng thêm này sẽ cho phép ESA tăng cường độ phân giải cho các thiết bị giám sát carbon dioxide mang tên CO2M và cho phép camera siêu phổ CHIME bay trên một tàu vũ trụ của họ sớm hơn là chờ đợi một chuyến đi trong một nhiệm vụ muộn hơn vào những năm 2030.
Những dự án khác có thể thực hiện trong thời gian tới, bao gồm thiết kế SAGA, vệ tinh lượng tử đầu tiên của châu Âu, vốn cho phép hình thành một phần của một mạng lưới truyền thông lượng tử châu Âu. Và một dự án được thiết lập để thực hiện các cách loại bỏ những mảnh vỡ vũ trụ từ quỹ đạo.
Dĩ nhiên không phải nhiệm vụ nào cũng nhận được khoản đầu tư như mong muốn. Lagrange, một đề xuất vệ tinh thời tiết không gian của châu Âu để đưa ra những cảnh báo sớm về bão mặt trời hướng đến trái đất, sẽ không đủ kinh phí phát triển “với tốc độ như mong muốn” bởi số tiền đề xuất không được chấp thuận, Wörner nói. Các bộ trưởng châu Âu quyết định trì hoãn quyết định về một dự án robot tới sao Hải vương cho đến cuộc họp tiếp theo vào năm 2022 để có cơ hội làm rõ là liệu những cộng sự Mỹ có thể gia tăng kinh phí cho nhiệm vụ chung này không.
Kinh phí đầu tư cho ESA từ nguồn đóng góp của chính phủ các quốc gia cũng như khoản đóng góp thường niên của Liên minh châu Âu (EU). Theo định kỳ 3 - 4 năm, các thành viên của ESA sẽ họp để quyết định ngân sách hoạt động cho ESA.
Năm 2019, Anh là một trong những quốc gia có nhiều đóng góp nhất khi thủ tướng Boris Johnson quyết định tăng thêm 15% mức đóng góp, tương đương 374 triệu euro/năm và duy trì trong năm năm liên tiếp. Đây là nỗ lực đảm bảo vai trò trụ cột của Anh tại một trong những chương trình quan trọng bậc nhất châu Âu. Hiện Anh là một trong bốn quốc gia thành viên có mức đóng góp cao nhất ESA, những quốc gia có mức đóng góp trên 350 triệu euro/năm.
Việc đóng góp ngân sách vào ESA của Anh sẽ được “trả lại” thông qua các hợp đồng sản xuất thiết bị với Anh, ví dụ thiết bị ExoMars của ESA sẽ được giao cho cơ sở của Airbus tại Anh phát triển. Quyết định tiếp tục tham gia một trong những chương trình liên kết thành công của EU từ văn phòng thủ tướng Anh cũng góp phần xoa dịu những lo ngại của giới công nghiệp Anh trong việc góp mặt vào chương trình khoa học châu Âu thời kỳ hậu Brexit.
Mặt khác, điều này cũng khiến tham vọng chiếm 10% thị trường vũ trụ toàn cầu của Anh vào năm 2030 với mục tiêu 40 tỉ bảng. Tuy vậy, có thể Brexit khiến cho mục tiêu này trở nên khó khăn hơn. |