Các cơ quan khí hậu chính phủ Úc cho biết việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm gia tăng các đám cháy rừng nguy hiểm và tăng số lượng những ngày nắng nóng khắc nghiệt.

Theo Cục Khí tượng và Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO), carbon dioxide gia tăng trong khí quyển, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, đã khiến các đám cháy rừng trở nên nguy hiểm hơn, mực nước biển dâng cao và gia tăng nhanh chóng số ngày có nhiệt độ khắc nghiệt. ''Những gì chúng ta đang thấy bây giờ vượt ra ngoài phạm vi của những gì có thể xảy ra trước đây," Tiến sĩ Jaci Brown, giám đốc Trung tâm Khoa học Khí hậu của CSIRO cho biết.

Hình minh họa. Nguồn: APP

Nhiệt độ tăng

Trong số những phát hiện quan trọng, báo cáo cho biết khí hậu của Úc đã ấm lên 1,44 độ C kể từ năm 1910, với các mùa cháy rừng ngày càng kéo dài và nguy hiểm hơn. Các đại dương của Úc đã ấm lên 1 độ C và đang bị axit hóa.

Các điều kiện thời tiết ở Úc hiện nay phù hợp với những dự báo trong những thập kỷ gần đây, Tiến sĩ Karl Braganza, quản lý dịch vụ dự báo môi trường khí hậu tại Cục Khí tượng Úc, cho biết trong một cuộc họp báo. ''Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là sự thay đổi hữu hình hơn [...] Chúng ta không nhất thiết cảm thấy rằng nhiệt độ trung bình tăng 1,44 độ C, nhưng chúng ta cảm nhận được những đợt sóng nhiệt và những vụ cháy," Braganza nói.

Từ năm 1960 đến năm 2018, báo cáo cho biết có 24 ngày nhiệt độ tối đa trung bình của quốc gia đạt 39 độ C trở lên. Nhưng riêng năm 2019 đã có 33 ngày như vậy.

Trạm theo dõi khí nhà kính dài hạn của Úc tại Cape Grim cho thấy mức độ CO2 đang tích tụ trên bầu khí quyển với tốc độ ngày càng nhanh. Từ năm 1980 đến năm 1989, lượng CO2 đã tăng 14 phần triệu, nhưng từ 2009 đến 2019, lượng CO2 đã tăng 23 phần triệu. Brown cho biết trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 đã làm giảm tốc độ phát thải, nhưng đây chỉ là một tình trạng hi hữu.

Báo cáo cho biết, phát thải từ nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu và khí đốt - là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng CO2 trong khí quyển, và là nguyên nhân gây ra khoảng 85% lượng khí thải từ năm 2009 đến 2018.

Brown cho biết nhiệt độ đại dương tăng, sóng biển nhiệt và nước axit hóa cũng sẽ tiếp diễn, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các rạn san hô của Úc.

Mất nước

Kể từ năm 1970, lượng mưa ở phía tây nam của Úc đã giảm khoảng 16% trong những tháng mát mẻ hơn từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng phần lớn vùng phía bắc Úc đã chứng kiến lượng mưa tăng lên. Máy đo lưu lượng dòng chảy cũng cho thấy lượng nước chảy qua các con sông ở miền Nam nước Úc đã ít hơn kể từ năm 1975.

Tiến sĩ Michael Battaglia, giám đốc nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm của CSIRO, cho biết: ''Nông nghiệp Úc đã phải đối mặt với những thách thức và gián đoạn đáng kể do biến đổi khí hậu, thể hiện qua hạn hán kỷ lục, sóng nhiệt và nhiệt độ tăng.'' Những biến đổi này tác động đến sản xuất lương thực, chuỗi cung ứng, cộng đồng khu vực và giá tiêu dùng.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Úc Scott Morrison phải đối mặt với áp lực phải tuân theo các thỏa thuận thương mại lớn và cam kết Úc đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/science/2020/nov/13/rising-levels-of-carbon-dioxide-increasing-extreme-weather-events-in-australia-report-finds