Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào ngày 24/11, giáo sư Nicholas Strausfeld tại Đại học Arizona (Mỹ) và các cộng sự đã phát hiện bộ não hóa thạch lâu đời nhất thế giới tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có niên đại lên tới 525 triệu năm.

Hóa thạch này thuộc về một loài động vật chân đốt đã tuyệt chủng có tên khoa học là Cardiodictyon catenulum. Hình dạng của nó giống như một con sâu với chiều dài chỉ khoảng 1,5cm. Con vật có khả năng di chuyển dưới đáy biển trong kỷ Cambri bằng cách sử dụng nhiều cặp chân mềm, không có khớp chân.

Khi tiến hành phân tích hóa thạch, nhóm nghiên cứu nhận thấy Cardiodictyon catenulum có ba vũng não khác nhau. Não không bị chia nhỏ thành các đoạn cấu trúc thần kinh lặp đi lặp lại gọi là hạch, giống như hệ thần kinh ở phần thân. Do đó, bộ não và hệ thống thần kinh ở phần thân đã trải qua quá trình tiến hóa riêng biệt.

Điều này trái ngược với phỏng đoán trước đây của giới khoa học khi họ cho rằng, phần đầu của động vật chân đốt chỉ là phần mở rộng về phía trước của phần thân trong quá trình tiến hóa, dẫn đến cấu trúc não [ở phần đầu] và hạch thần kinh [ở phần thân] phải có sự tương đồng.

Nguồn: Sciencealert.com