Vào ngày 26/11/2021, WHO đã chỉ định biến thể Omicron mới (B.1.1.529) là một biến thể cần quan tâm. Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO về tiến hóa virus cho rằng Omicron có một số đột biến có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể kết luận liệu Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hay gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, chẳng hạn như Delta, hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện do COVID-19 ngày càng tăng ở Nam Phi (nơi phát hiện Omicron đầu tiên), nhưng có thể do tổng số người bị nhiễm bệnh tăng, chứ không phải do Omicron có khả năng gây bệnh nặng hơn. Hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng do các biến thể khác gây ra.
WHO khuyến khích các quốc gia đóng góp và chia sẻ dữ liệu bệnh nhân nhập viện thông qua Nền tảng dữ liệu lâm sàng COVID-19 của WHO để giúp xác định các đặc điểm lâm sàng và tình trạng của bệnh nhân nhiễm biến thể mới này. Dự kiến phải mất vài tuần nữa các nhà khoa học mới có thể xác định được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.
Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Ý, Israel, Canada, HongKong, Úc, Nam Phi, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
WHO khuyến nghị cách hiệu quả nhất để chống lại biến thể mới hiện nay là tiếp tục tránh tiếp xúc trực tiếp, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, mở cửa sổ thông gió, tránh không gian đông đúc, rửa tay và tiêm phòng.
Nguồn: theguardian.com, who.int
Hoàng Nam thực hiện