Trong công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 4/2021, các nhà khoa học tại Đại học Delaware (Mỹ) đã tìm ra cách biến đổi rác thải nhựa thành nhiên liệu.

Cụ thể, họ nung nóng nhựa để phá vỡ các liên kết hóa học, phân hủy chúng thành những thành phần cấu tạo nhỏ hơn. Nhóm nghiên cứu sử dụng một loại chất xúc tác đặc biệt, đó là hỗn hợp của zeolit (khoáng chất cấu tạo chủ yếu từ nhôm, silic) và oxit kim loại bao gồm bạch kim, vonfram. Cuối cùng, họ chuyển đổi thành công 85% vật liệu nhựa ban đầu thành dầu và xăng, có thể sử dụng cho ô tô, xe tải hoặc máy bay.

“Phương pháp này hiệu quả tốt nhất đối với nhựa polyolefin, loại vật liệu dùng để chế tạo ra các sản phẩm mà chúng ta thường cho là không thể tái chế, ví dụ như túi nilon. Đây cũng là cách hiệu quả để tái chế các đồ dùng và bao bì dùng một lần làm từ nhựa polyethylene và polypropylene”, Dionisios Vlachos, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trước đây, các nghiên cứu tương tự như trên đều tập trung vào những quy trình yêu cầu nhiệt độ từ 400-800°C. Trong khi đó, quy trình của Vlachos và cộng sự hoạt động ở nhiệt độ thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 225°C. Do đó, nó sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng và chi phí vận hành nếu triển khai trên quy mô công nghiệp.

Nguồn: Smithsonianmag.com