Nhà vật lý Christopher Kyba và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) đã phân tích dữ liệu quan sát của hơn 50.000 nhà khoa học công dân trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2022.

Họ phát hiện bầu trời đêm đang trở nên sáng hơn với tốc độ từ 7–10% mỗi năm, nghĩa là ngày càng có ít ngôi sao mà một người có thể quan sát bằng mắt thường vào ban đêm. Điều này tương đương với việc bầu trời đêm tăng gấp đôi độ sáng trong vòng chưa đầy tám năm hoặc hơn gấp bốn lần trong 18 năm. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào tháng 1/2023.

Khu vực Bắc Mỹ có mức tăng lớn nhất về độ sáng của bầu trời, ở mức trung bình 10,4% mỗi năm. Bầu trời đêm ở châu Âu sáng lên với tốc độ chậm hơn, khoảng 6,5% một năm.

Nhóm nghiên cứu cho biết, bầu trời đang trở nên sáng hơn do con người gia tăng lắp đặt các đèn LED hiện đại trong các thiết bị chiếu sáng ngoài trời. Với cùng một công suất, đèn LED phát ra nhiều ánh sáng hơn so với bóng đèn sợi đốt.

Nguồn: iflscience.com