Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Methods, các nhà khoa học tại Đại học Montréal đã sử dụng DNA gắn với một phân tử huỳnh quang để chế tạo ăng-ten nhỏ nhất thế giới có chiều dài chỉ 5 nanomet.

Ăng-ten hoạt động giống như một radio hai chiều, có khả năng theo dõi sự chuyển động và thay đổi cấu trúc của protein theo thời gian thực. Nó tiếp nhận ánh sáng đơn sắc với một màu sắc [hoặc bước sóng] cụ thể, sau đó phát ra ánh sáng có màu sắc khác tùy thuộc vào sự thay đổi cấu trúc của protein mà nó gắn vào bề mặt.

Protein là những phân tử lớn, phức tạp, thực hiện tất cả các loại nhiệm vụ thiết yếu trong cơ thể, từ việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch cho đến điều chỉnh chức năng của các cơ quan. Tuy nhiên, khi protein hoạt động, chúng trải qua những thay đổi liên tục về mặt cấu trúc, chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác trong một quá trình phức tạp mà các nhà khoa học gọi là động lực học protein. Trước đây, chúng ta không có các công cụ đủ tốt để theo dõi hoạt động của các protein này.

Trong tương lai, công nghệ chế tạo ăng-ten dựa trên DNA hứa hẹn sẽ được sử dụng rộng rãi trong quá trình điều chế thuốc và phát triển các công nghệ nano mới.

Nguồn: iflscience, Sciencealert