Một bước tiến lớn mang tính lịch sử đối với loài chuột.

Sáng ngày 29/06, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng thành công tên lửa Falcon 9 từ Sân bay vũ trụ Cape Canaveral (Florida), và điểm đến chính là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Mặc dù đây chỉ là một tên lửa tự động không người điều khiển, nhưng nó lại chở những vị khách rất quan trọng: 20 con chuột thí nghiệm.

Space X phóng tên lửa Falcon 9 đưa những chú chuột thí nghiệm lên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: Futurism

Space X phóng tên lửa Falcon 9 đưa những chú chuột thí nghiệm lên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: Futurism

Đây là một phần trong dự án của Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ và nhịp điệu sinh học (CSCB) thuộc Đại học Northwestern với kế hoạch cụ thể như sau: 10 trong số 20 chú chuột sẽ phải sống 90 ngày trên quỹ đạo, trong khi số còn lại sẽ được đem về Trái Đất sau 30 ngày. Nghiên cứu có mục đích chính là để quan sát những ảnh hưởng của môi trường sống trên vũ trụ đối với nhịp sinh học của lũ chuột (chu kỳ 24 giờ đồng hồ), microbiome (vi khuẩn và các vi sinh vật sinh sống trong cơ thể), cùng với các quá trình sinh lí khác.

Nghiên cứu này được thiết lập dựa trên một nghiên cứu khác cũng do CSCB thực hiện liên quan đến dự án Twin Study của NASA. Cụ thể, phi hành gia Scott Kelly đã sống cả một năm trên Trạm vũ trụISS, trong lúc người anh em song sinh của anh – Mark (cũng là một phi hành gia) – ở lại Trái Đất làm nhiệm vụ ở trung tâm điều khiển. Đầu năm nay, NASA đã công bố những kết quả nghiên cứu sơ bộ, cho thấy quãng thời gian sống trong vũ trụ của Scott đã làm cho bộ gen của anh ấy thay đổi tới 7%.

Tương tự, 20 chú chuột được đưa ra ngoài vũ trụ cũng có các anh chị em được giữ lại để chăm sóc và theo dõi tại một cơ sở nghiên cứu của NASA trên Trái Đất. Ở đó, chúng sẽ phải trải qua những điều kiện sống y hệt như máu mủ của chúng ở bên ngoài hành tinh trong 3 ngày – bao gồm ánh sáng, nhiệt độ, nhiệm vụ.

Mặc dù cấu tạo sinh học của chuột và người rất khác nhau, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn hy vọng rằng sự tái hiện điều kiện môi trường (gần chính xác) sẽ cung cấp những thông tin chuẩn về tác động của vũ trụ đối với cơ thể con người hơn là trong dự án Twin Study. Bởi vì trong lúc Scott đang ở trên trạm ISS thì Mark lại sống trên Trái Đất, và những gì anh ấy làm hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới kết quả của nghiên cứu.

Con đường chinh phục sao Hỏa

Như chúng ta đã biết, có vô số rủi ro liên quan đến sức khỏe có thể xảy đến khi bước ra ngoài vũ trụ, như nguy cơ đánh mất thị giác, bị ung thư hay mắc các bệnh về tâm lý, tuy nhiên chúng ta vẫn không thực sự hiểu rõ vũ trụ sẽ có tác động đến cơ thể như thế nào khi sống ở đó suốt một gian dài. Cứ cho rằng sứ mạng chinh phục Hỏa sẽ trở thành hiện thực trong một vài năm tới, song chúng ta vẫn cần phải đi tìm câu trả lời trước khi có thể lên hành tinh Đỏ sinh sống.

Mặc dù 90 ngày không phải quá dài, nhưng đối với chuột nó lại tương đương với 9 năm cuộc đời của người. Vì thế, những phi hành gia tí hon này có thể sẽ nắm giữ chìa khóa giúp giải đáp những thắc mắc của chúng ta về vũ trụ, nhất là khi con người đã sống một thời gian rất dài trong bầu khí quyển của Trái đất.