Mới đây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã tiết lộ kế hoạch phóng tên lửa mang một máy bay trực thăng tự lái cỡ nhỏ lên sao Hỏa trong sứ mệnh thám hiểm vào năm 2020.
Chiếc trực thăng có kích thước chỉ nhỏ bằng một quả bóng mềm, rất có thể sẽ là thiết bị bay đầu tiên bay xung quanh bầu khí quyển sao Hỏa khác với các tàu đổ bộ trước đây - thường được dùng để vận chuyển các phương tiện khác và hạ cánh tại những địa điểm khó xác định trước trên mặt đất.
Tuy nhiên, NASA cũng gặp khá nhiều thách thức trong quá trình phát triển chiếc trực thăng, chẳng hạn bầu khí quyển trên sao Hỏa khá yếu và hệ thống liên lạc giữa hai trạm kiểm soát trên Trái đất và ngoài vũ trụ thỉnh thoảng vẫn bị đứt quãng.
Vì bay bên ngoài vũ trụ, cho nên tín hiệu lệnh truyền đi từ Trái đất sẽ phải mất vài phút mới đến được với thiết bị. Do đó, chiếc trực thăng cần phải được tự động hóa, ít nhất là trên một số bộ phận cần thiết để đảm bảo cung cấp hình ảnh bề mặt sao Hỏa về Trái đất trong một giai đoạn dài.
Thêm nữa, trên sao Hỏa gần như không tồn tại khí quyển, với áp suất trên bề mặt rất thấp, thậm chí nhỏ hơn cả áp suất đo được với máy bay đang bay ở độ cao cực đại trên Trái Đất. Vì vậy, để có thể hạ cánh, hai cánh quạt của chiếc trực thăng sẽ phải quay nhanh gấp 10 lần bình thường (khi bay trên Trái Đất) – tương đương 3000 vòng/phút. Ngoài ra, pin và các bộ phận phần cứng khác của nó cũng phải được thiết kế sao cho thật gọn nhẹ và tối ưu nhất có thể.
Khi chính thức hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021, chiếc trực thăng sẽ tiếp tục tìm kiếm các khu vực hạ cánh lý tưởng trên bề mặt, thăm dò dấu hiệu của sự sống, đồng thời cảnh báo về các hiểm họa có thể xảy tới đối với các phi hành gia đặt chân lên đây trong tương lai. Ngoài ra, nó cũng cần phối hợp với các thiết bị khác trên mặt đất để nghiên cứu đặc điểm địa chất của Hành tinh Đỏ.
Đây được xem là một quyết định khá táo bạo của NASA. Ngay cả khi thiết kế và chế tạo xong, thiết bị này vẫn cần trải qua nhiều lần bay thử, trong ít nhất khoảng 30 giây, trước khi chính thức được đưa vào vân hành. Nếu dự án trên thành công, trực thăng của NASA có thể sẽ góp phần đáng kể vào sứ mệnh thám hiểm vũ trụ.
Nhật Phạm (Theo Futurism)