Theo các nhà khoa học Pháp, sao Hỏa cổ đại có thể chứa một thế giới dưới lòng đất đầy các sinh vật cực nhỏ.

Nhưng nếu chúng tồn tại, các dạng sống đơn giản này sẽ làm thay đổi bầu khí quyển sâu sắc đến mức gây ra Kỷ Băng hà trên Sao Hỏa và tự tiêu diệt chính mình, các nhà nghiên cứu kết luận.

Các phát hiện này củng cố cho một góc nhìn ảm đạm về cách thức sự sống vận hành trong vũ trụ. Sự sống - ngay cả sự sống đơn giản như vi khuẩn - thường gây ra sự sụp đổ của chính nó, tác giả chính của nghiên cứu, Boris Sauterey, hiện là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, cho biết.

"Kết quả hơi u ám một chút, nhưng tôi nghĩ cũng gây tò mò, thách thức chúng ta suy nghĩ lại cách một sinh quyển và hành tinh của nó tương tác", Sauterey nói.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Astronomy, nhóm Sauterey cho biết họ đã sử dụng các mô hình khí hậu và địa hình để đánh giá khả năng có sự sống sống của lớp vỏ sao Hỏa cách đây 4 tỷ năm. Khi đó, hành tinh đỏ được cho là ngập tràn nước và có môi trường dễ chịu hơn nhiều so với ngày nay.

Họ phỏng đoán rằng các vi khuẩn ăn hydro và sản sinh methane có thể đã phát triển mạnh mẽ bên dưới bề mặt sao Hỏa vào thời điểm đó, khi bề mặt sao Hỏa có khoảng vài chục cm đất, đủ để bảo vệ vi khuẩn khỏi bức xạ mạnh. Theo Sauterey, bất kỳ nơi nào không có băng trên sao Hỏa đều có thể tràn ngập những sinh vật này, giống như chính Trái đất thuở sơ khai.

Tuy nhiên, khí hậu ấm áp này bị thay đổi sau khi quá nhiều hydro bị hút ra khỏi bầu khí quyển mỏng, giàu carbon dioxide, Sauterey nói. Nhiệt độ sẽ giảm xuống gần -200 độ C, và bất kỳ sinh vật nào ở gần bề mặt sẽ phải đào xuống sâu hơn để cố gắng tồn tại.

Ngược lại, trên Trái đất, vi khuẩn có thể đã giúp duy trì điều kiện ôn hòa vì bầu khí quyển chủ yếu là nitrogen, các nhà nghiên cứu cho biết.

“Nghiên cứu của họ cho thấy rõ nếu sự sống đã từng hiện diện trên sao Hỏa thì chúng sẽ có ảnh hưởng lớn đến khí hậu hiện nay”, nhà nghiên cứu Kaveh Pahlevan tại Viện SETI cho biết

Nhóm Sauterey gợi ý rằng những nơi dễ tìm thấy dấu viết sự sống cổ đại nhất là khu vực Hellas Planitia và miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa.

Sauterey có kế hoạch xem xét khả năng vi sinh vật vẫn tồn tại sâu bên trong sao Hỏa. "Liệu các vi sinh vật đã đào sâu xuống sao Hỏa có còn sống sót đến ngày nay không?" Sauterey nói.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/oct/10/ancient-mars-could-have-been-teeming-with-microbial-life-researchers-find