Tàu Lucy của NASA dự kiến cất cánh vào ngày 16/10 để bắt đầu hành trình khám phá nhóm tiểu hành tinh gần Sao Mộc mà chưa tàu vũ trụ nào từng tiếp cận.

Lucy, trị giá 981 triệu USD, dự kiến cất cánh từ Cape Canaveral, Florida, và sẽ dành 12 năm tiếp theo để đi qua sáu tiểu hành tinh trong nhóm tiểu hành tinh gần Sao Mộc được gọi là Trojan, chụp ảnh và xác định thành phần cấu tạo của chúng.

Các nhà khoa học cho rằng các tiểu hành tinh Trojan sẽ tiết lộ thông tin về sự hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt trời. Tên của nhiệm vụ này thể hiện hy vọng của NASA: Lucy là hóa thạch loài hominid 3,2 triệu năm tuổi được khai quật vào năm 1974 ở Ethiopia, đã mở ra những bí mật về nguồn gốc loài người.

Các tiểu hành tinh Trojan có thể đã hình thành ở vùng rìa ngoài cùng của Hệ Mặt trời vào khoảng 4,6 tỷ năm trước, khi Trái đất, Sao Mộc và các hành tinh khác hình thành từ một đĩa khí và bụi xung quanh Mặt trời sơ sinh. Thông qua Trojan, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu những vùng xa xôi, nguyên thủy của Hệ Mặt trời mà không cần phải gửi tàu vũ trụ đến tận nơi - Audrey Martin, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Bắc Arizona, Flagstaff, người tham gia sứ mệnh Lucy, cho biết.

Hình minh họa Lucy, tàu vũ trụ sẽ bay qua sáu tiểu hành tinh trong nhóm tiểu hành tinh Trojan gần Sao Mộc.

Hơn 7.000 tiểu hành tinh Trojan di chuyển gần Sao Mộc. Một số hành tinh cũng có tiểu hành tinh theo sát quỹ đạo của chúng nhưng cho đến nay, Sao Mộc có nhiều tiểu hành tinh nhất.

Năm 1991, tàu vũ trụ Galileo lướt qua tiểu hành tinh Gaspra trên đường tới Sao Mộc. Kể từ đó, một số nhiệm vụ không gian khác đã khám phá vành đai tiểu hành tinh chính của Hệ Mặt trời, nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Nhưng chưa có nhiệm vụ nào khám phá nhóm các tiểu hành tinh Trojan gần Sao Mộc - nơi đây có thể rất khác với các tiểu hành tinh trong vành đai chính.

Khoang chứa sẽ đưa Lucy vào vũ trụ.

Vì sao các tiểu hành tinh Trojan liên quan đến nguồn gốc Hệ Mặt trời?

Khi Hệ Mặt trời hình thành, các hành tinh gần Mặt trời hơn nhiều so với ngày nay. Các tương tác hấp dẫn sau đó khiến nhiều hành tinh di chuyển. Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương di chuyển ra xa khỏi Mặt trời, trong khi Sao Mộc di chuyển nhẹ vào gần. Trong sự hỗn loạn này, các tiểu hành tinh từ ngoài cùng của Hệ Mặt trời đã bị kéo vào trong. Bằng trọng lực của mình, Sao Mộc đã "bắt giữ" chúng, và các tiểu hành tinh đã ở gần Sao Mộc kể từ đó đến nay, về cơ bản không thay đổi trong hàng tỷ năm. Đây là lý do vì sao các tiểu hành tinh này là một phần quan trọng trong việc hiểu nguồn gốc và sự tiến hóa của Hệ Mặt trời, theo Lori Glaze, giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA.

Hình ảnh trực quan này cho thấy cách tàu vũ trụ Lucy (màu xanh dương) sẽ phóng từ Trái đất (màu xanh lá cây) và sau đó vòng quanh Hệ Mặt Trời trong 12 năm để thăm sáu tiểu hành tinh Trojan (các chấm trắng) gần Sao Mộc (màu cam).

Có lẽ vì nguồn gốc hỗn loạn, các tiểu hành tinh Trojan có rất nhiều màu sắc, hình dạng và kích thước. Lucy sẽ đến thăm sáu tiểu hành tinh trong số đó, và xác định lý do tại sao chúng lại đa dạng như vậy.

Mục tiêu của Lucy bao gồm Eurybates, chiều ngang 64 km, và mặt trăng Queta của Eurybates, được phát hiện vào năm ngoái bằng Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Ngoài ra, Lucy nhắm đến Leucus, chiều ngang 20 km - hình quả bóng; và cặp tiểu hành tinh Patroclus và Menoetius,cả hai đều có chiều ngang khoảng 100 km. Các tiểu hành tinh này được đặt tên theo các nhân vật trong sử thi Iliad của Homer.

Sau khi phóng, Lucy sẽ bay vài vòng qua Trái đất để đạt được lực cần thiết cho việc bay đến mục tiêu đầu tiên của nó, Eurybates, dự kiến vào năm 2027. Và phải đến năm 2033, Lucy mới đến các mục tiêu cuối cùng, Patroclus và Menoetius.

Được cung cấp năng lượng bởi hai tấm pin mặt trời rộng 7,3 mét, Lucy sẽ lướt qua mỗi tiểu hành tinh với tốc độ 6 đến 9 km/giây, thực hiện các phép đo màu sắc, thành phần, khối lượng... của tiểu hành tinh. Các nhà khoa học cho biết, bất cứ điều gì Lucy tìm thấy gần như chắc chắn sẽ viết lại các mục trong sách giáo khoa về các tiểu hành tinh Trojan.

Nguồn: