Ngày 6/8, sau khi khoan lấy lõi tảng đá đầu tiên trên sao Hỏa nhưng không đặt được mẫu lõi đá vào trong ống lưu trữ do đá quá vụn, xe tự hành Perseverance của NASA sẽ tiếp tục lăn bánh đến những địa điểm khác để thử lại. Perseverance sẽ khoan vào các địa hình khác nhau trong tháng tới, các nhà khoa học hy vọng những mẫu đá đó sẽ chắc hơn và Perseverance có thể "rút lõi" dễ dàng hơn.
Sau một vài ngày đánh giá liệu có gì sai sót trong lần thử lấy mẫu đá đầu tiên, NASA thông báo vào ngày 11/8 rằng Perseverance đã vô tình nghiền đá mà nó lấy được thành bột và các mảnh quá nhỏ, các mảnh này sau đó rơi xuống mặt đất chứ không trượt vào trong ống lưu trữ như kế hoạch thu thập một mẫu lõi đá nguyên vẹn.
Perseverance được trao sứ mệnh thu thập những mẫu lõi đá đầu tiên từ bề mặt sao Hỏa, sau đó đưa về tàu vũ trụ để mang trở lại Trái đất phục vụ nghiên cứu. “Thất bại lần này chỉ là một lời nhắc nhở nữa rằng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về sao Hỏa,” Meenakshi Wadhwa, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Bang Arizona, Tempe, đồng thời làm việc cho NASA trong nhiệm vụ lấy mẫu đá, cho biết. "Hành tinh này vẫn có khả năng làm chúng ta ngạc nhiên khi chúng ta ít ngờ tới nhất."
Các nhà nghiên cứu đã rất mong chờ lần khoan đầu tiên của Perseverance. Họ chọn một trong những tảng đá phẳng, vật liệu chính tạo nên nền miệng núi lửa Jezero, nơi Perseverance hạ cánh vào tháng 2/2021. Việc thu thập một mẫu đá núi lửa từ Sao Hỏa và đưa nó trở lại Trái đất sẽ cho phép các nhà địa chất xác định niên đại của Sao Hỏa một cách chính xác, và từ đó xác định niên đại phần lớn lịch sử địa chất của Sao Hỏa.
Những hình ảnh ban đầu gửi về cho thấy, Perseverance đã khoan thành công 7 cm vào bề mặt đá, vào đến lõi tảng đá, và lấy ra một mẫu lõi đá hình trụ mỏng nguyên vẹn. Nhưng NASA sau đó phát hiện, ống lưu trữ mẫu cất giữ bên trong bụng của Perseverance vẫn trống rỗng. Jennifer Trosper, giám đốc dự án của sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA (JPL), cho biết nguyên nhân là mẫu đá lần này vụn hơn so với tính toán của các kỹ sư. “Trước đó không có dấu hiệu gì cho thấy loại đá này sẽ vỡ vụn khi chúng ta rút lõi nó,” Trosper cho biết.
Lùi một bước
Thay vì thử lại ở cùng một vị trí, Perseverance đã rời đến một khu vực có tên là Nam Séítah, nơi có thể có các lớp đá trầm tích giống với đá Trái đất mà các kỹ sư cho Perseverance khoan trong các cuộc thử nghiệm trước khi lên sao Hỏa. “Chúng tôi sẽ thử lấy mẫu trên vật liệu mà chúng tôi tự tin hơn," Trosper nói.
Perseverance sẽ khoan một lõi đá ở Nam Séítah, có lẽ vào đầu tháng Chín. Lần này, sau khi Perseverance khoan được mẫu lõi đá, các kỹ sư sẽ tạm dừng quá trình vận hành tự động để kiểm tra xem nó đã rút được mẫu nguyên vẹn ra khỏi tảng đá hay chưa, trước khi cho phép Perseverance thực hiện các bước tiếp theo là đưa mẫu đá vào ống lưu trữ và niêm phong.
Chiếc ống lưu trữ rỗng được cất giữ vào ngày 6/8 sẽ được dùng làm mẫu khí quyển sao Hỏa, nhóm Perseverance dự định mang mẫu này về trong tương lai. Perseverance mang theo tất cả 43 ống lưu trữ mẫu. Mục tiêu của nhóm là lấy khoảng 35 ống mẫu đất đá trên sao Hỏa, từ các phần khác nhau của miệng núi lửa Jezero. Ít nhất phải đến năm 2031, những ống này mới trở lại Trái đất.
Các kỹ sư đã thử nghiệm hệ thống khoan Perseverance hơn 100 lần trên một loạt các loại đá trên Trái đất, để chuẩn bị cho tình huống xe thám hiểm có thể gặp phải trên sao Hỏa. Nhưng việc mẫu đá bị vụn lần này nằm ngoài dự kiến.
"Chúng tôi sẽ tìm ra cách"
Perseverance không phải là xe thám hiểm đầu tiên gặp vấn đề với đất đá trên sao Hỏa. Tàu đổ bộ InSight của NASA từng thả xuống sao Hỏa một xe thám hiểm hình dạng giống như chuột chũi, thiết bị này đã mất gần hai năm tìm cách chui xuống 5 mét đất sao Hỏa để đo dòng nhiệt nhưng không thành. Cuối cùng, nhiệm vụ đã thất bại vào tháng Giêng năm nay. Và xe thám hiểm Curiosity của NASA, đã khám phá Miệng núi lửa Gale từ năm 2012, vẫn thỉnh thoảng vô tình làm vỡ các tảng đá khi khoan vào chúng.
Curiosity và Perseverance giống nhau ở nhiều bộ phận phần cứng nhưng có một điểm khác biệt lớn trong cách lấu mẫu. Curiosity cố ý nghiền đá thành bột, sau đó đặt vào bên trong các dụng cụ phân tích được tích hợp để tiến hành các nghiên cứu khoa học. Trong khí đó, Perseverance được thiết kế để lấy các lõi nguyên vẹn và đặt vào các ống. Vì vậy, đá vụn không phải vấn đề đối với Curiosity, nhưng là vấn đề với Perseverance.
Sau lần thứ hai lấy đá ở Nam Séítah sắp tới, Perseverance sẽ quay trở lại theo hướng nó xuất phát, về lại miệng núi lửa. Khi đó, có thể nó sẽ lại thử lấy mẫu đá chưa lấy được lần này nếu nhóm kỹ sư tìm được địa điểm khoan hứa hẹn hơn. Trosper nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết những điều bất thường như thế này. Tôi hơi thất vọng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ tìm ra nhiều cách.”