Các nhà nghiên cứu ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của một vụ nổ siêu tân tinh, khi sóng xung kích phát ra từ ngôi sao.

Những khoảnh khắc đầu tiên của một vụ nổ siêu tân tinh - vụ nổ khổng lồ cuối cùng đánh dấu sự hủy diệt của một ngôi sao - đã được quan sát với độ chi tiết chưa từng có. Phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều gì xảy ra với các ngôi sao khi chúng chết.

Với dữ liệu thu thập được từ kính viễn vọng không gian Kepler của Nasa vào năm 2017, các nhà vật lý thiên văn đã ghi nhận được xung ánh sáng ban đầu từ một vụ nổ.

Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, các nhà khoa học cho rằng ngôi sao đã phát nổ có khả năng là một ngôi saovàng có kích thước khổng lồ, vớikhối lượng và độ sáng cực lớn, lớn hơn mặt trời của chúng ta 100 lần.

Ảnh minh họa một vụ nổ siêu tân tinh.

Patrick Armstrong, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, giai đoạn đầu của một vụ nổ siêu tân tinh chưa từng được quan sát đầy đủ trước đây. “Để chụp được bức ảnh này, bạn phải nhìn vào đúng vị trí trên bầu trời, đúng thời điểm, với mức độ chi tiết thích hợp."

Anh cho biết thêm, siêu tân tinh, được gọi là SN2017jgh, cách Trái đất hơn một tỷ năm ánh sáng. "Ánh sáng mà chúng ta đang thấy đã thực ra phát ra từ ngôi sao đó một tỷ năm trước".

Trung bình, các nhà thiên văn dự đoán, trongmột thiên hà,cứ 100 năm sẽ có một ngôi sao phát nổ. “Có hàng triệu thiên hà trên bầu trời đêm, nghĩa là tùy thuộc vào hiệu suất của kính viễn vọng, chúng ta có thể ghi lại được khoảng một vụ nổ siêu tân tinh mỗi tuần hoặc lên đến một vụ nổ mỗi ngày nếu có thiết bị tốt như kính viễn vọng không gian Kepler”, Armstrong nói.

Một vụ nổ siêu tân tinh diễn ra nhanh chóng, và giai đoạn đầu của vụ nổ chỉ quan sát được trong vài ngày. Các nhà khoa học ghi lại vụ nổ lần này dựa trên đo lường sự thay đổi lượng ánh sáng phát ra từ vụ nổ siêu tân tinh theo thời gian.

“Chúng ta thấy một điểm nhỏ bé trong bầu trời đêm, điểm sáng ngày càng sáng hơn khi siêu tân tinh nổ tung, và sau đó mờ dần”, Armstrong nói. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát sự thay đổi ánh sáng này một cách chi tiết".

Quang phổ ánh sáng được giải phóng bởi siêu tân tinh cũng chỉ ra các manh mối về thành phần của ngôi sao vừa phát nổ.

Theo Armstrong, quan sát lần này cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình các ngôi sao phát nổ thành các vụ nổ siêu tân tinh khác nhau: “Thông thường, chúng ta không còn nhiều thông tin về những ngôi sao này vì chúng đã bùng nổ và không còn nhiều điều để xem xét".

Không giống như các kính thiên văn khác quan sát một lần mỗi ngày, kính thiên văn Kepler cứ nửa giờ lại chụp ảnh một lần, cho phép ghi lại toàn bộ quá trình thay đổi lượng ánh sáng phát ra từ vụ nổ. Tuy nhiên nhiệm vụ của Kepler đã chính thức kết thúc vào năm 2018 khi nó hết nhiên liệu.

Nguồn: