Báo cáo chiến lược mới của Viện Hàn lâm Mỹ coi Sao Thiên Vương là ưu tiên khám phá hàng đầu của Mỹ và NASA trong thập kỷ tới. NASA hầu như luôn hoạt động theo khuyến nghị của báo cáo này.

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ vừa xuất bản báo cáo Chiến lược khoa học hành tinh thập kỷ 2023 - 2032, khuyến nghị NASA thực hiện nhiệm vụ khám phá Sao Thiên Vương đầu tiên kể từ sau nhiệm vụ Voyager 2 năm 1986.

“Nhiệm vụ này cực kỳ có ý nghĩa. Sao Thiên Vương chứa đầy những bí ẩn khoa học, chẳng hạn như tại sao nó quay nghiêng. Nghiên cứu Sao Thiên Vương cũng mang lại hiểu biết về các ngoại hành tinh [hành tinh quay quanh các ngôi sao không phải Mặt trời]; trong số hơn 5.000 ngoại hành tinh đã biết, phần lớn có kích thước tương đương với sao Thiên Vương," nhà khoa học hành tinh Amy Simon tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA, một tác giả của báo cáo, cho biết.

Sao Hải Vương có các đặc điểm tương tự Sao Thiên Vương, là "người khổng lồ băng" - tạo thành từ một lượng lớn vật chất băng giá xoay quanh một lõi đá nhỏ. Tuy nhiên Sao Hải Vương không được ưu tiên khám phá trong thập kỷ tới, vì việc khám phá Sao Thiên Vương khả thi hơn với các giới hạn công nghệ hiện nay, theo Simon.

Ảnh minh họa Sao Thiên Vương - ưu tiên khám phá hàng đầu của Mỹ và NASA trong thập kỷ tới.

Báo cáo đề xuất nhiệm vụ khám phá Sao Thiên Vương có thể sử dụng tên lửa thương mại Falcon Heavy đã đi vào hoạt động. Ngày phóng sớm nhất có thể vào năm 2031, nếu nhiệm vụ được tài trợ. Tên lửa sẽ đưa tàu quan sát và tàu thăm dò đến Sao Thiên Vương. Tàu thăm dò sẽ được thả về phía hành tinh này để khám phá khí quyển của nó, bao gồm hydro, heli và metan. Tàu quan sát sẽ bay quanh Sao Thiên Vương trong nhiều năm, quan sát các đặc điểm như từ trường và cực quang.

Nhiệm vụ cũng sẽ khám phá một số trong 27 mặt trăng đã biết của Sao Thiên Vương - có thể sẽ là Titania và Oberon, các mặt trăng có kích thước đủ lớn để có nước bên dưới bề mặt băng giá của chúng. Nhìn chung, theo đề xuất, nhiệm vụ sẽ nghiên cứu toàn bộ hệ thống Sao Thiên Vương và mang lại nhiều thông tin khoa học chưa từng biết trước đây.

Nếu NASA theo đuổi nhiệm vụ Sao Thiên Vương, chi phí có thể lên tới 4,2 tỷ USD. Cơ quan này có thể sẽ hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), vì vào năm 2021, ESA đã công bố các ưu tiên nghiên cứu, trong đó có ưu tiên hợp tác với một cơ quan không gian khác để nghiên cứu một "người khổng lồ băng". "Câu hỏi bây giờ là liệu ngân sách của Mỹ và ESA có chi trả cho một dự án hợp tác đầy tham vọng hay không," Leigh Fletcher, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Leicester, Vương quốc Anh, cho biết.

Báo cáo của Viện Hàn lâm thường định hướng các quyết định của NASA và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ trong nhiều năm. Và lần này Sao Thiên Vương được coi là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực khoa học hành tinh. Ưu tiên thứ hai là mặt trăng Enceladus của Sao Thổ, nơi có nhiều tia nước phun ra từ một đại dương bị chôn vùi. Theo đề xuất, nhiệm vụ Enceladus sẽ cử một tàu đổ bộ lên bề mặt Enceladus để thu thập vật chất và tìm kiếm bằng chứng sự sống.

Ngoài ra, báo cáo nêu rõ tình trạng thiếu công bằng và đa dạng trong khoa học hành tinh Mỹ. Theo đó, các nhà khoa học từ các nhóm thiểu số thường xuyên bị phân biệt đối xử và việc chọn lãnh đạo cho các sứ mệnh hành tinh không đa dạng. Chỉ 5% các nhà khoa học đề xuất các nhiệm vụ hành tinh cho NASA từ năm 2014 đến năm 2020 thuộc một cộng đồng thiểu số. Và suốt thập kỷ qua, tính công bằng trong lĩnh vực này "ít thay đổi đến đáng kinh ngạc”, báo cáo nêu rõ.

Nguồn: