Theo các nhà khoa học, NASA đã tìm thấy bằng chứng về các chất hữu cơ trên sao Hỏa cách đây hơn 40 năm trước, nhưng vô tình tự hủy đi những bằng chứng này.
Gần đây, NASA gây ra một sự hỗn loạn khi họ thông báo rằng tàu vũ trụ Curiosity Rover đã phát hiện ra các phân tử hữu cơ - thành phần tạo nên cuộc sống - trên sao Hỏa. Đây là sự xác nhận lần đầu tiên về việc sao Hỏa có tồn tại phân tử hữu cơ, dù trước đó các nhà khoa học đã dự đoán điều này từ lâu nhưng không có bằng chứng.
Hồi năm 1976, các nhà khoa học đã choáng váng khi tàu Viking đổ bộ lên sao Hỏa và không tìm thấy bất cứ chất hữu cơ hay bằng chứng nào cho thấy Hành tinh đỏ có thể có cơ hội cho sự sống.
"Nó hoàn toàn là bất ngờ và không phù hợp với những gì chúng tôi biết", Chris McKay một nhà khoa học vũ trụ tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA nói, thể hiện sự bất ngờ của ông và các đồng nghiệp với kết quả thu thập được từ tàu Viking.
Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện các sứ mạng tại sao Hỏa, các nhà khoa học của NASA đã có thể hiểu vì sao hơn 40 năm trước tàu Viking lại cho ra kết quả mà đến họ cũng không thể tin được.
Cụ thể, hồi năm 2008, tàu đổ bộ Phoenix đã tìm thấy perchlorate trên sao Hỏa. Perchlorate là một loại muối được dùng để chế tạo pháo hoa trên Trái đất, nó đặc biệt dễ nổ khi gặp nhiệt độ cao. Trong khi đó, do bề mặt sao Hỏa không quá ấm, nên dụng cụ đo đạc chính của tàu Viking, Máy sắc ký khí khối phổ (GCMS) đã vô tình làm hỏng các mẫu đất mà tàu thu thập để tìm chất hữu cơ. Vì có perchlorate trong đất, dụng cụ GCMS sẽ đốt cháy bất kỳ chất hữu cơ nào trong các mẫu được tìm thấy trong quá trình đo đạc của nó.
Điều đó có nghĩa là tàu Viking rất có thể đã tìm ra chất hữu cơ trên sao Hỏa, nhưng lại vô tình hủy luôn những bằng chứng này. "Bạn tìm thấy một cái nhìn sâu sắc mới và bạn nhận ra rằng mọi thứ bạn biết là sai", ông McKay bình luận.
Tất nhiên, chuyện tìm thấy perchlorate không thể khẳng định được Viking đã vô tình đốt luôn mẫu vật chất hữu cơ trên sao Hỏa. Nhưng chính việc Curiosity phát hiện ra sự đa dạng của chất hữu cơ trên sao Hỏa gần đây và tàu đổ bộ này cũng tìm ra thêm hợp chất chlorobenzene củng cố sâu sắc quan điểm tàu Viking đã tự hủy mẫu vật mà nó thu thập được. Chlorobenzene là một hợp chất được tạo thành khi đốt các phân tử carbon với perchlorate, vì vậy các nhà khoa học nghi rằng hợp chất này được tìm thấy đơn giản là vì các mẫu vật đã bị đốt cháy trước khi đo, theo New Scientist.
Ông McKay đã lần hồi lại các hồ sơ lưu từ nhiệm vụ của tàu Viking và phát hiện ra chính con tàu này khi xưa cũng tìm ra chlorobenzene trong các mẫu vật đất sao Hỏa, đó là bằng chứng cho thấy có thể chính tàu Viking đã vô tình tự hủy kết quả.
Tuy nhiên, do không thể biết chắc chắn chuyện gì đã diễn ra, các nhà khoa học NASA vẫn không thể thống nhất ý kiến về chuyện này.