Các nhà khoa học lần đầu tiên nhìn thấy được sự ra đời của các ngôi sao, quá trình thường xuyên diễn ra trong giai đoạn đầu của vũ trụ, nhờ một hình ảnh mới công bố của Kính viễn vọng không gian James Webb.

Hình ảnh chụp lại một cụm sao trẻ, được gọi là NGC 346, nằm cách Trái đất hơn 200.000 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn học đã đặc biệt quan tâm đến cụm sao này, nằm trong Đám mây Magellan Nhỏ (SMC), vì nó có các điều kiện giống với các điều kiện của vũ trụ sơ khai, khi quá trình hình thành sao xảy ra nhiều nhất.

Các nhà thiên văn hy vọng rằng việc nghiên cứu khu vực cụm sao này có thể đem lại nhiều thông tin hơn về cách những ngôi sao đầu tiên hình thành trong “buổi trưa vũ trụ”, chỉ 2 hoặc 3 tỷ năm sau vụ nổ lớn.

Cụm NGC 346. Nguồn ảnh: Nasa

Tiến sĩ Olivia Jones, thành viên của Hội đồng Cơ sở Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm công nghệ thiên văn học Vương quốc Anh, là tác giả chính của bài báo mô tả các hình ảnh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể phát hiện toàn bộ quá trình hình thành sao của cả những ngôi sao có khối lượng thấp và khối lượng cao trong một thiên hà khác".

“Điều này có nghĩa là chúng ta có nhiều dữ liệu hơn để nghiên cứu, với độ chi tiết cao, cho thấy thông tin mới về cách quá trình hình thành ao định hình môi trường của ngôi sao sau này", Jones cho biết.

Cụm NGC 346, khoảng 3 đến 5 triệu năm tuổi, chứa các "tiền sao", là những đám mây khí và bụi trong không gian đang trong quá trình phát triển thành sao. Các nhà thiên văn học nghiên cứu những đám mây khí và bụi này để cố gắng hiểu thêm về cách các ngôi sao được hình thành. Khi khí và bụi tập hợp lại, vật liệu dồn vào thành hình đĩa, cung cấp năng lượng cho trung tâm của "tiền sao".

Mặc dù trước đây các nhà thiên văn học đã phát hiện ra khí xung quanh các tiền sao, nhờ các quan sát của JWST mới phát hiện ra bụi.

JWST là kính viễn vọng quang học lớn nhất trong không gian và có thể được sử dụng để quan sát các vật thể lâu đời, ở xa hoặc mờ đối với kính viễn vọng không gian Hubble. Nó được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2021.

Vào tháng 7 năm 2022, kính viễn vọng đã cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao về các thiên hà xa xôi cách Trái đất hàng tỷ năm ánh sáng, đồng thời chụp được hình ảnh của Sao Mộc cho thấy các kiểu thời tiết, mặt trăng, độ cao, mây bao phủ và cực quang của hành tinh khí khổng lồ này.

Guido de Marchi, thuộc nhóm nghiên cứu, là nhà khoa học làm việc tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy các khối xây dựng, không chỉ của các ngôi sao mà còn có khả năng là của các hành tinh. Và vì Đám mây Magellan Nhỏ có môi trường tương tự như các thiên hà vào buổi trưa của vũ trụ, nên có thể các hành tinh đá đã hình thành trong vũ trụ sớm hơn chúng ta tưởng".

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2023/jan/11/image-of-star-cluster-more-than-10bn-years-ago-sheds-light-on-early-stages-of-tuniverse