Nghiên cứu mới của Đại học Duke, Mỹ, nhận thấy việc chuyển từ trạng thái áp lực cao sang trạng thái tò mò, khám phá có thể giúp cải thiện việc học và trí nhớ dài hạn.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 420 người tham gia giả làm kẻ trộm các tác phẩm nghệ thuật và chia họ thành hai nhóm ngẫu nhiên. Người tham gia nhóm gấp rút tưởng tượng mình là những kẻ trộm lành nghề, đang thực hiện phi vụ tức thời và cần đánh cắp được càng nhiều càng tốt. Còn nhóm tò mò có nhiệm vụ thăm dò bảo tàng để lên kế hoạch cho phi vụ trong tương lai.

Sau khi nhận hai cốt truyện khác nhau, người tham gia chơi cùng một trò chơi điện tử, trong đó họ phải thăm dò một bảo tàng nghệ thuật ảo với 4 cánh cửa có màu khác nhau, tượng trưng cho 4 căn phòng. Khi nhấn vào mỗi cánh cửa, bức tranh từ căn phòng tương ứng cùng giá trị của nó sẽ hiện ra. Người tham gia trong 2 nhóm đều được nhận tiền thưởng thật nếu tìm thấy những bức có giá trị cao.

Hôm sau, người tham gia phải làm bài kiểm tra nhanh là phân biệt 175 bức tranh khác nhau (100 bức ngày hôm trước và 75 bức mới). Nếu nhận ra bức tranh nào thì họ cũng cần nhớ lại giá trị của nó.

Kết quả, nhóm tò mò có trí nhớ tốt hơn vào ngày hôm sau. Họ nhận ra nhiều tranh hơn và nhớ được giá trị mỗi bức tốt hơn. Và vì phần thưởng giúp tăng trí nhớ nên những bức có giá trị hơn được nhớ nhiều hơn.

Điều này không diễn ra với nhóm gấp rút. Tuy nhiên, nhóm đó lại giỏi tìm ra những căn phòng giấu tác phẩm đắt giá hơn và trộm được những bức có giá trị hơn. Ước tính thành quả của họ nhiều hơn nhóm kia 230 USD.

Ở trạng thái tò mò giúp chúng ta có trí nhớ tốt hơn. Ảnh: earth.com
Óc tò mò giúp chúng ta có trí nhớ tốt hơn. Ảnh: earth.com

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, sự khác biệt trong chiến lược (gấp rút hay tò mò) và kết quả (nhớ tốt hơn hay tìm được các bức tranh có giá trị hơn) không nhất thiết có nghĩa là trạng thái này tốt hơn trạng thái kia. Mấu chốt là ta biết được nên chuyển sang trạng thái nào cho phù hợp với tình huống trước mắt.

Ví dụ, để giải quyết một vấn đề cấp bách, ngắn hạn, như chạy trốn khỏi con gấu khi đang đi rừng, hay quyết định có nên tiêm vaccine trong đợt dịch không, thì ở trong trạng thái gấp rút, áp lực lớn có thể là lựa chọn tốt hơn. Còn nếu muốn một người tăng trí nhớ dài hạn và cải thiện hành động trong tương lai, thì khiến người đó căng thẳng sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, cần đưa họ vào trạng thái tò mò để ghi nhớ thông tin tốt hơn.

Các nhà khoa học lưu ý, hầu hết các liệu pháp tâm lý dành cho người lớn là nhằm khuyến khích sự linh hoạt, giống như trạng thái tò mò. Nhưng điều đó khá khó khăn vì phần lớn thời gian trưởng thành của chúng ta trôi qua ở trạng thái cấp bách.

Các nhà khoa học hiện đang tìm hiểu sự gấp rút và óc tò mò kích hoạt các phần khác nhau của não như thế nào. Các bằng chứng trước đây cho thấy trạng thái gấp rút liên quan đến vùng hạch hạnh nhân (amygdala), có vai trò chính trong trí nhớ về các nỗi sợ. Còn trạng thái tò mò, khám phá lại đưa chất dẫn truyền thần kinh tăng cường học tập dopamine sang vùng hồi hải mã (hippocampus), phần não quan trọng trong việc hình thành trí nhớ dài hạn, chi tiết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Nguồn: