Khi nhắc tới “áp lực đồng trang lứa”, chúng ta thường nghĩ tới những trải nghiệm khó khăn mà mình từng trải qua khi còn bé hay lúc bước vào tuổi thiếu niên. Nhưng, liệu áp lực này có dừng lại khi chúng ta sang giai đoạn trưởng thành mới, hay nó vẫn tiếp tục đi theo ám ảnh?

Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas đã bắt tay tìm hiểu về sự xung đột giữa năng lực kiểm soát bản thân và áp lực đồng trang lứa ở những đối tượng trên 18 tuổi. Phụ trách nghiên cứu là tiến sĩ Kendra Seaman, phó giáo sư tâm lý học tại Trường Khoa học Hành vi và Não bộ (BBS).

Cô cùng đồng nghiệp đã yêu cầu 157 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 tới 80 trả lời các cuộc khảo sát được hẹn giờ ngẫu nhiên qua tin nhắn để kiểm soát năng lực kiểm soát bản thân của người tham gia đối với các ham muốn tự phát trong cuộc sống thường ngày. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychology and Aging.

Họ phát hiện thấy áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng tới giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, trong khi đó người trung niên và người lớn tuổi kiểm soát ham muốn của họ tốt hơn.

Hầu hết lý thuyết hiện nay cho rằng ảnh hưởng từ áp lực đồng trang lứa sẽ đạt đỉnh ở tuổi thiếu niên rồi dần dần biến mất khi con người ta bước vào tuổi trưởng thành. Song, các nhà nghiên cứu không biết vào thời điểm nào trong giai đoạn trưởng thành ban đầu chúng ta không còn lung lay trước áp lực đồng trang lứa, làm sao để điều đó diễn ra cũng như phát triển trong suốt tuổi trưởng thành.

Tuy người lớn tuổi thường điều chỉnh cảm xúc của mình hiệu quả hơn, thể hiện khả năng tự chủ tốt hơn và có khả năng chống lại áp lực tuân theo xã hội, thế nhưng họ cũng đối mặt với một loạt ưu tiên mới có khả năng khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi chống lại những ảnh hưởng như vậy, nhất là khi họ quan sát người cùng lứa tuổi thực hiện điều đó.

Chẳng hạn, chúng ta sẽ phải đấu tranh nội tâm xem có nên đi chơi với bạn bè không khi mà mình đang định tiết kiệm, hoặc là mình có nên ăn bánh ngọt không khi đang cố giảm cân.

Ảnh minh họa. Nguồn: lcv.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: lcv.com.vn


Câu hỏi cho người tham gia là trong ba tiếng vừa qua họ có thấy thèm muốn điều gì không. Nếu đáp án là có, họ sẽ tiếp tục trả lời những câu hỏi sau: Ham muốn đó có mâu thuẫn với các mục tiêu cá nhân không, chẳng hạn như việc sống lành mạnh hay tiết kiệm tiền? Khi ham muốn đó xuất hiện, xung quanh họ có người khác không? Họ có làm theo ham muốn đó hay không? Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu đánh giá mức độ của cả ham muốn lẫn xung đột.

Các kết quả cho biết khi thấy một người thực hiện điều mà mình mong muốn, người trung niên và người lớn tuổi kiểm soát ham muốn của mình tốt hơn thanh niên. Kết quả này nhất quán với các nghiên cứu khác về khả năng điều chỉnh cảm xúc cải thiện theo độ tuổi, nó cho thấy khả năng chống lại áp lực tuân theo xã hội phát triển trong suốt quãng thời gian trưởng thành.

Seaman cho biết nghiên cứu đề cập đến những khía cạnh chưa được khám phá của áp lực đồng trang lứa. “Hầu hết mọi nghiên cứu thực hiện trên thanh thiếu niên đều tập trung vào những hành động rủi ro: bê tha rượu bia, quan hệ tình dục không an toàn, v.v. Còn nghiên cứu này tìm hiểu những ham muốn vụn vặt hơn nhiều: chẳng hạn như uống một ly rượu hay lướt mạng xã hội”.

Nghiên cứu cũng tập trung vào ký ức tức thời, có sự đáng tin cậy hơn nhiều so với việc hồi tưởng các trải nghiệm.

Qua nghiên cứu này, chúng ta thấy rằng mỗi độ tuổi lại có độ nhạy cảm khác biệt trước áp lực tuân theo xã hội trong các quyết định tự chủ. Thanh niên ít thành công kiểm soát ham muốn hơn khi xung quanh có người thực hiện ham muốn đó. Và áp lực đồng trang lứa vẫn có ảnh hưởng với thanh niên, thậm chí người trung niên, tuy rằng nó hạn chế hơn.

Nguồn: