Tất cả những hành vi bạo lực nghiêm trọng đều khởi nguồn từ cảm giác xấu hổ và nhục nhã, bị trêu chọc và xem thường. Đó là tổng kết của tiến sĩ y khoa James Gilligan - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bạo lực của Trường Y Harvard (Mỹ).
Các hành vi có thiên hướng bạo lực đang ngày càng phổ biến đến mức trở thành một tệ nạn trên thế giới. Nguyên nhân thường được lý giải theo hướng quy tội cho vũ khí, trò chơi điện tử hay tác động của truyền thông. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy, vấn đề tâm lý giới tính đóng vai trò rất quan trọng trong các vụ bạo lực.
Đói nghèo, nhục nhã làm gia tăng bạo hành
Theo James Gilligan, cảm giác xấu hổ, nhục nhã, bị trêu chọc và xem thường là khởi nguồn của tất cả những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Những hành vi này đều có tính chất phản ứng hoặc để đảo ngược tình thế “mất mặt” mà một cá nhân phải chịu, bất chấp hậu quả họ phải nhận lớn đến đâu, kể cả cái chết.
Trong nhiều trường hợp, việc phải chịu ức chế tâm lý lâu ngày để lại những dấu ấn nặng nề đối với con người và qua đó thay đổi tâm lý, cách thức ứng xử của anh ta. Với cách nhìn nhận như vậy, trong các vụ bạo lực, phản ứng bột phát chỉ là nguyên cớ, còn nguyên nhân chắc chắn sâu xa hơn nhiều.
Nghèo đói là một yếu tố quan trọng làm gia tăng bạo lực. Theo Caplan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bạo lực gia đình của Đại học McGill (Canada), có mối liên quan không nhỏ giữa vấn đề tiền bạc và các vụ bạo lực: “Một người không biết sắp tới sẽ kiếm tiền bằng cách nào để trả chi phí ăn uống và hóa đơn điện hằng tháng dễ có cảm giác không an toàn. Càng cảm thấy không an toàn, anh ta càng thiếu sáng suốt, dễ mất bình tĩnh trong xử lý các tình huống giao tiếp xã hội, dẫn đến bạo lực”.
Đàn ông không “chuẩn men” dễ gây bạo lực
Hành vi bạo lực liên quan không nhỏ với đặc điểm giới tính. Một thực tế khó chối cãi là so với phụ nữ, đàn ông dính dáng nhiều hơn đến các vụ bạo lực. Nói chung, nam giới phải chịu đựng nhiều hơn trong các vấn đề liên quan đến chấn thương hoặc sức khỏe kém. Đàn ông có xu hướng lạm dụng thuốc nhiều hơn, hay chè chén say sưa, lái xe không thận trọng, thực hiện các hành vi bạo lực và mang vũ khí.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các bất an về tâm lý liên quan đến cách người khác cảm nhận về “nam tính” của mình cũng là nguyên nhân gây bạo lực. Những người đàn ông cảm thấy mình kém nam tính so với tiêu chuẩn thông thường của xã hội và không hạnh phúc với tình trạng đó thường can dự vào các vụ bạo lực có vũ khí nhiều hơn.
Theo Dennis Reidy - trưởng nhóm nghiên cứu về hành vi tại Trung tâm Phòng, chống bệnh tật Mỹ (CDC), những người thuộc nhóm “không nhất quán về vai trò giới tính” (là người tự thấy ít nam tính hơn các chuẩn mực và nghĩ rằng người khác cũng thấy vậy) và trầm cảm do tình trạng kém nam tính này có tỷ lệ tham gia các vụ bạo lực gây thương vong nhiều hơn 348% so với bình thường.
Bên cạnh vấn đề giới, tính, các chứng rối loạn tâm lý cũng là yếu tố liên quan đến hành vi bạo lực. Chẳng hạn, bệnh nhân mắc chứng loạn thần (Psychosis) chiếm 1/5 trong tổng số các vụ bạo lực, nhưng có đặc điểm khác hẳn tội phạm thông thường. Trong khi tội phạm thông thường nhanh trí, hung hãn và phản ứng rất nhanh với các mối đe dọa thì bệnh nhân loạn thần thường lạnh lùng, phản ứng chậm và các hành vi của họ thường có chủ tâm từ trước. Gần đây, các nhà khoa học của Đại học Montreal (Canada) - bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ - đã chứng minh rằng bệnh nhân loạn thần có những bất thường trong não khiến họ không hiểu và không rút được kinh nghiệm từ các hình thức trừng phạt của xã hội.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra tính phức tạp, đa dạng của hành vi bạo lực, từ đó cho thấy để tránh bạo lực, cách thức xử lý của xã hội phải được thiết kế phù hợp.
Chẳng hạn, những người loạn thần có tổn thương trong não cần các chương trình theo dõi và điều trị tích cực ngay từ giai đoạn sớm; còn để phòng, chống bạo lực ở nam giới, cần chú trọng tư vấn tâm lý, truyền thông tốt về các chuẩn mực nam tính của xã hội.