Theo những đánh giá mới nhất của WHO, khoảng bảy triệu người tử vong hằng năm do phơi nhiễm các hạt mịn có trong không khí bị ô nhiễm. Những hạt này có khả năng thâm nhập vào sâu trong phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh như đột quỵ, tim, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính và nhiễm trùng hô hấp.
Riêng trong năm 2016, ô nhiễm không khí ngoài trời cướp đi sinh mạng của khoảng 4,2 triệu người, trong khi ô nhiễm không khí trong nhà do nấu ăn bằng các nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm làm khoảng 3,8 người chết.
Hơn 90% ca tử vong liên quan ô nhiễm không khí xảy ra tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, phần lớn tại châu Á và châu Phi, sau đó là tại khu vực đông Địa Trung Hải, châu Âu và châu Mỹ.
Các số liệu của WHO cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời cao nhất tại khu vực đông Địa Trung Hải và Đông - Nam Á (với mức trung bình hằng năm vượt hơn năm lần so với giới hạn WHO cho phép), tiếp đến là các thành phố có thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi và tây Thái Bình Dương.
Người dân Ấn Độ di chuyển trên một con phố bụi bặm tại TP Srinagar. Ảnh: AP
Nhìn chung, mức ô nhiễm không khí ngoài trời thấp nhất thường được ghi nhận tại các nước có thu nhập cao, đặc biệt là tại châu Âu, châu Mỹ và tây Thái Bình Dương. Tại những thành phố của các quốc gia có thu nhập cao ở châu Âu, ô nhiễm không khí được chứng minh là làm giảm tuổi thọ trung bình từ 2 đến 24 tháng, tùy vào mức độ ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nước hành động để ứng phó thực trạng này. Hiện, WHO đã đưa hơn 4.300 thành phố tại 108 quốc gia vào cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí ngoài trời. Đây là kho dữ liệu toàn diện nhất thế giới về ô nhiễm không khí ngoài trời. Kể từ năm 2016, có thêm 1.000 thành phố trên thế giới được bổ sung vào cơ sở dữ liệu này. Điều đó cho thấy ngày càng có nhiều nước nỗ lực đưa ra các biện pháp và hành động để làm giảm ô nhiễm không khí hơn bao giờ hết.
Những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí thường xuất phát từ việc các hộ gia đình sử dụng không hiệu quả nguồn năng lượng, từ hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và vận tải, nhà máy điện đốt than… Tại một số khu vực, cát và bụi sa mạc, đốt rác thải và phá rừng là nguồn gốc của ô nhiễm không khí.
“Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, song những người nghèo nhất và những người chịu nhiều thiệt thòi nhất phải chịu đựng gánh nặng của tình trạng này”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý. Ông Ghebreyesus cảnh báo, nếu không khẩn trương hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí thì chúng ta sẽ không bao giờ tới gần các mục tiêu phát triển bền vững.
WHO có kế hoạch triệu tập hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe vào cuối tháng 10 tới để giúp các chính phủ và đối tác trên toàn thế giới cùng xây dựng nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng không khí và chống biến đổi khí hậu.