Trạm lọc khói bụi ở Thiểm Tây giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong bối cảnh giới chức Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm dai dẳng.
Tòa tháp thực nghiệm cao hơn 100 m ở phía bắc Trung Quốc được cho là tháp lọc không khí lớn nhất thế giới. Nhà khoa học dẫn đầu dự án cho hay tháp đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong bối cảnh giới chức Trung Quốc đang nỗ lực tìm nhiều phương án để giải quyết tình trạng ô nhiễm đáng quan ngại ở quốc gia này.
Theo SCMP, tháp lọc khí này được xây tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây và đang được thử nghiệm bởi các chuyên gia của Viện Môi trường Trái Đất tại Học viện Công nghệ Trung Quốc.
Tào Quân Ký, người đứng đầu dự án, cho biết chất lượng không khí trong một khu vực rộng 10 km vuông của thành phố đã được cải thiện trong vài tháng qua. Trạm lọc khí đã giúp sản xuất hơn 10 triệu mét khối không khí sạch mỗi ngày. Ông Tào nói thêm rằng tháp có thể giảm lượng khói bụi xuống gần mức trung bình trong một số ngày ô nhiễm nặng.
Hệ thống lọc khí này hoạt động thông qua các nhà kính bao quanh nền tháp, với số lượng có khả năng lấp đầy một nửa sân bóng đá. Không khí ô nhiễm bị hút vào các nhà kính và làm nóng lên bởi năng lượng mặt trời. Khí nóng sau đó bay ra ngoài qua tháp và được làm sạch bởi nhiều lớp lọc.
"Tháp này không có đối thủ về kích thước... kết quả thu được rất đáng khích lệ", ông Tào đánh giá. Nhóm của ông cũng lập ra hơn 10 trạm kiểm soát ô nhiễm trong khu vực để đánh giá hiệu quả hoạt động của tháp lọc khí.
Tây An có thể bị ô nhiễm không khí nặng vào mùa đông, khi phần lớn thành phố dựa vào than để làm ấm. Tuy nhiên, các nhà vận hành tháp nói hệ thống vẫn hoạt động được trong những tháng lạnh vì lớp phủ ngoài của các nhà kính cho phép hấp thụ bức xạ mặt trời một cách hiệu quả.
Ông Tào cho biết những kết quả này chỉ là sơ bộ và các thử nghiệm vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhóm dự định công bố thêm các dữ liệu chi tiết hơn vào tháng 3, thông qua một bản đánh giá khoa học đầy đủ về hoạt động tổng thể của tháp lọc khí.
Theo Zing