Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động, xuất hiện nhiều loại siêu vi khuẩn kháng tất cả loại thuốc, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Tại sự kiện công bố báo cáo Thực trạng kháng sinh thế giới 2015 diễn ra ở Hà Nội chiều 29/10, tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ươngcảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh của Việt Nam đang ở mức báo động. Số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.
Bà Đỗ Thúy Nga, đại diện đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford Mỹ cũng thông báo tỷ lệ vi khuẩn E.coli kháng với kháng sinh carbapenem. Trong số 26 nước báo cáo, tỷ lệ kháng cao nhất tại Ấn Độ 11%, Việt Nam đứng thứ hai với 9%, sau đó đến Bulgaria. Tỷ lệ khuẩn kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ ba lên đến hơn 60%.
Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
"Tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc thì ngày càng tăng cả ở nước phát triển và đang phát triển. Một số nghiên cứu cho thấy tại Mỹ cũng dùng kháng sinh không hợp lý với tỷ lệ lên đến 50% tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong 10 năm kể từ năm 2000, lượng kháng sinh được sử dụng trên toàn thế giới hơn 30%", tiến sĩ Trung cho biết.
Tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang phổ biến trên thế giới, trong khi kể từ năm 2008 đến nay hầu như không có loại thuốc kháng sinh nào mới xuất hiện. Kháng sinh đầu tiên được phát minh là penicillin vào những năm 1940, tuy nhiên chỉ 10 năm sau đã xuất hiện vi khuẩn kháng penicillin. Tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.
Từ năm 1983 đến 1987, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. 5 năm sau số lượng được cấp ngày càng giảm. Từ năm 2008 đến nay gần như không có kháng sinh mới nào được tìm ra.
|
Tỷ lệ kháng thuốc kháng sinhcủa vi khuẩn E.coli tại Việt Nam năm 2013.
|
Theo bà Nga, thay vì tập trung nghiên cứu tìm ra kháng sinh mới thì mỗi nước nên ưu tiên bảo tồn hiệu quả những kháng sinh thế hệ cũ. Để làm được điều này, cần thay đổi nhận thức của bệnh nhân, bác sĩ kê đơn. Kháng sinh là nhóm thuốc phổ biến, gần như ngươi dân nào cũng biết kháng sinh, tự đi mua về sử dụng.
Chuyên gia này cũng đề nghị nên cấm bán các loại thức ăn gia súc có trộn sẵn kháng sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh cho động vật nuôi. Ước tính Việt Nam có khoảng 11 nhóm kháng sinh dùng trong nông nghiệp, trong đó có cả loại dùng cho người.
Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại siêu vi khuẩn đa kháng thuốc.