Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, cho biết, lá rau chân vịt có thể phát hiện một loạt hóa chất - gồm các hợp chất nitroaromatic thường dùng trong chất nổ.
Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã nhúng ống nano carbon vào lá rau chân vịt (rau bina). Khi cây hấp thụ nước, các ống nano có thể phát hiện một loạt hóa chất - gồm các hợp chất nitroaromatic thường dùng trong chất nổ.
Khi một hợp chất được phát hiện, các ống nano phát ra ánh sáng huỳnh quang và một camera hồng ngoại giá rẻ (như loại camera của hầu hết smartphone) nhận tín hiệu. Sau đó, một thiết bị đơn giản được cài đặt - như máy tính Raspberry Pi - có thể gửi email cảnh báo. Quá trình kỹ thuật để gắn rau chân vịt vào hệ thống điện tử được gọi là “kỹ thuật nano thực vật”.
“Thực vật là nguồn cung thông tin rất lớn. Chúng tương tác liên tục với môi trường sống, hấp thụ và tích lũy các hạt bụi, các hợp chất và đáp ứng những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm” - Min Hao Wong - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết. Nhóm muốn chứng minh thực vật có thể lưu trữ thông tin có giá trị về môi trường như dinh dưỡng trong đất và nước ngầm và con người có thể truy cập dữ liệu này chỉ bằng một kỹ thuật nhỏ.
“Thực vật có thể sử dụng cho các ứng dụng quốc phòng như giám sát nước ngầm thấm từ đạn dược chôn trong lòng đất hoặc chất thải chứa nitro-aromatics. Hệ thống này cũng có thể được sử dụng trong nông nghiệp để theo dõi sức khỏe cây trồng bằng cách phát hiện sâu, bệnh” - Wong nói.
Dù chi phí cho các thiết bị điện tử dùng trong nghiên cứu này khá thấp - một máy tính Raspberry Pi giá chỉ 35USD, nhưng Wong cho rằng cần giảm chi phí hơn nữa và nghiên cứu thêm về tác động môi trường. Ông đã khởi động dự án Plantea hướng tới thương mại hóa công nghệ này.
Lê Mai (Theo Digitaltrends)