Theo bác sỹ Võ Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - đã có 235 ca ghép tế bào gốc cả tự thân và đồng loài được thực hiện tại viện. Tỷ lệ thành công dao động khoảng 60-70%

BS Võ Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Ghép tế bào gốc,
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bắt đầu ứng dụng ghép tế bào gốc tự thân - tức lấy tế bào gốc trưởng thành từ chính cơ thể bệnh nhân truyền trả lại cho bệnh nhân để điều trị một số bệnh về máu, bên cạnh liệu pháp truyền hóa chất liều cao.

Năm 2008, viện thực hiện ghép tế bào gốc đồng loài, tức là lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi của anh chị em ruột có các chỉ số phù hợp để điều trị một số bệnh máu ác tính và lành tính. Năm 2013, viện bắt đầu triển khai ghép tế bào gốc nửa hòa hợp, tức người hiến là anh chị em ruột hoặc bố mẹ nhưng chỉ hợp một nửa để ghép.

Đến tháng 12/2014, viện triển khai thêm kỹ thuật ghép máu dây rốn từ cộng đồng là người cho không cùng huyết thống. Hiện đã có 235 ca ghép tế bào gốc cả tự thân và đồng loài được thực hiện tại viện. Tỷ lệ thành công dao động khoảng 60-70%. Với trường hợp ghép tế bào gốc từ anh chị em ruột, tỷ lệ này là 80% bệnh lành tính và 60% với bệnh ác tính. Với ghép tế bào gốc tự thân, tỷ lệ tử vong liên quan đến quá trình ghép bằng 0.

Thành công của các kỹ thuật trên giúp tăng cơ hội được cứu sống của những người mắc bệnh hiểm nghèo, không lệ thuộc vào việc lưu trữ tế bào gốc cuống rốn của chính mình.