Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 20 năm nữa số ca ung thư trên thế giới sẽ tăng 57% do các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp thực phẩm.
Tại Việt Nam, các chuyên gia dự đoán số ca mắc ung thư mới vào năm 2020 sẽ xấp xỉ 200.000 người (con số hiện nay là 160.000) - trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Trong 3 nguyên nhân chính khiến bệnh này tăng nhanh, thực phẩm bẩn đứng đầu - chiếm 35%. Các chất gây ung thư hiện diện trong rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt tồn dư thuốc kích thích tăng trọng, bánh phở, bánh cuốn chứa chất làm trắng quang học, thực phẩm bị lạm dụng chất bảo quản, dầu mỡ bẩn tái chế, thực phẩm ôi mốc chứa độc tố streptozotocin aflatoxin…
Hậu quả dễ nhận thấy nhất của nạn thực phẩm bẩn là ngộ độc. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng hiện rất đáng quan ngại, đặc biệt là tình hình ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể.
Trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Vụ hơn 100 công nhân một công ty trong Khu công nghiệp Chương Mỹ phải nhập viện cấp cứu sau khi dùng bữa trưa có canh rau ngót nhiễm khuẩn lỵ là một ví dụ điển hình. Gần đây, gần 300 công nhân ở Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) cũng phải đi cấp cứu sau bữa ăn có món gà kho sả, rau cải luộc và canh bí, với biểu hiện đau bụng, nôn ói và tiêu chảy…
Hải Minh