Theo Bộ Y tế, có đến 26 bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam liên quan đến môi trường.
Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải cống ngầm, nước thải và chất thải công nghiệp… cũng khiến các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh. Báo cáo quốc gia 2013 về môi trường không khí cũng chỉ ra 7 loại bệnh liên quan mật thiết với ô nhiễm môi trường, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, thần kinh, ngộ độc, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, bệnh đường tiêu hóa và hô hấp.
Bệnh da liễu cũng chịu ảnh hưởng lớn của ô nhiễm. Bác sỹ Nguyễn Thành - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viên Da liễu quốc gia - cho biết, bệnh hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc - còn gọi là chàm tiếp xúc, xuất hiện do phản ứng với các chất gây dị ứng có trong môi trường như không khí và nước bẩn.
Điều ít ai ngờ đến là ngay cả nguy cơ tiểu đường cũng tăng do ô nhiễm. Một nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Đan Mạch thực hiện trên 52.000 cư dân ở hai thành phố lớn nhất nước này trong hơn 10 năm cho thấy: Nhóm dân cư sống ở nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao - đặc biệt là ô nhiễm khí thải xe cộ - có tỷ lệ mắc tiểu đường cao gấp 4 lần dân cư sống ở nơi không ô nhiễm. Thủ phạm gây bệnh là khí NO2. Thời gian nhiễm loại khí này càng lâu, nguy cơ tiểu đường càng lớn.
Về kinh tế, tình trạng ô nhiễm gây thiệt hại rất lớn do làm tăng chi phí khám và thuốc chữa bệnh, tổn thất do mất ngày công lao động (hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh) khi nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc bệnh nhân…
Tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố thể hiện rõ nhất hậu quả của ô nhiễm không khí. Theo nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ở Hà Nội cao hơn TPHCM do không khí ô nhiễm hơn, chịu tác động của biến đổi thời tiết mạnh hơn - đặc biệt về mùa đông. Tổng chi phí khám, chữa bệnh đường hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm và nghỉ việc để chăm sóc người mắc bệnh đường hô hấp của dân cư nội thành Hà Nội cao hơn gấp đôi TPHCM.
Hải Minh