Với suy nghĩ làm sao có được những kỹ thuật hiện đại để cứu được nhiều người bệnh hơn, BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã dồn tâm huyết vào nghiên cứu khoa học.


Những công trình nghiên cứu của chị đều sớm đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân nặng tưởng không còn cơ hội sống đã phục hồi sức khỏe và trở về với gia đình.

Nghiên cứu vì người bệnh

Nhìn bà mình suy sụp, da bọc xương, quằn quại trong những cơn đau cuối đời của căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối, cô nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thảo trỗi dậy mong ước sau này sẽ là bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Ngọc Thảo đã thi vào trường Y. Trong 6 năm học tại Khoa Y, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, chị đã luôn là sinh viên nổi trội với nhiều thành tích, chị được trao học bổng “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi trẻ lần thứ 24.

Những công trình nghiên cứu của BS Phạm Thị Ngọc Thảo luôn được áp dụng trong lâm sàng, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Ra trường, BS Phạm Thị Ngọc Thảo vào làm việc tại Bảo hiểm y tế TP Hồ Chí Minh với vai trò bác sĩ giám định. Trong thời gian này, BS Thảo vẫn thường xuyên làm việc tại các Bệnh viện của Thành phố và tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 1993, chị vào làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy và được phân công làm việc tại Khoa Săn sóc đặc biệt (ICU).

Khoa ICU của bệnh viện Chợ Rẫy là khoa cực nhọc và chuyên điều trị những bệnh rất nặng, cơ hội cứu sống người bệnh rất mong manh. Với môi trường làm việc rất tốt tại một bệnh viện đầu ngành, trong suốt 25 năm qua, BS Thảo vừa làm việc, vừa tiếp tục học nâng cao chuyên ngành và nghiên cứu khoa học. Các đề tài nghiên cứu của chị có giá trị thiết thực, đều sớm đi vào cuộc sống, được áp dụng trong lâm sàng, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong nhiều đề tài nghiên cứu đem lại sự sống cho bệnh nhân, đề tài “Ứng dụng lọc máu hiện đại điều trị một số bệnh”, trong đó, nhánh nghiên cứu “Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng” mà BS Thảo tham gia là đề tài mang lại hiệu quả và tính ứng dụng rất cao, cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Chia sẻ về đề tài này, BS cho biết: Chúng tôi thực hiện đề tài này trong vòng 3 năm, từ năm 2010 - 2013. Việc áp dụng kỹ thuật lọc máu này sau đó đã giúp ngành Hồi sức cấp cứu cứu sống được thêm nhiều bệnh nhân tưởng chừng như đã tuyệt vọng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm sự tiến triển của suy đa tạng do giải quyết cơ chế bệnh sinh lọc được cytokin, mở rộng cho một số chỉ định cùng cơ chế như SARS, tay chân miệng, ong đốt… Ngoài ra, còn mang lại hiệu quả kinh tế do giảm thời gian nằm viện, bệnh nhân đỡ phải ra nước ngoài chữa bệnh. Hiện kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh như Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng... đã lọc máu cứu sống nhiều người bệnh.

"Tuy có nhiều khó khăn, nhưng tôi may mắn được làm việc trong một tập thể tuyệt vời, những thầy cô tuyệt vời cùng với các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy… đã hỗ trợ và cùng tôi hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa về mặt khoa học và xã hội, cứu sống nhiều bệnh nhân và mang lại lợi ích về mặt kinh tế y tế…", BS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, các công trình nghiên cứu của BS Phạm Thị Ngọc Thảo đều là sản phẩm của quá trình lao động tích cực và say mê, thực sự có giá trị về thực tiễn cũng như khoa học. Các nghiên cứu đó đã góp một phần nào vào sự phát triển của ngành Hồi sức cấp cứu chống độc nói riêng và ngành y tế nói chung.

Luôn nhiệt huyết với công việc

Luôn tận tâm với người bệnh, nhiệt tình với đồng nghiệp và luôn phấn đấu nghiên cứu sáng tạo trong chuyên môn... đó là những đức tính mà những người xung quanh luôn nhìn thấy ở BS Phạm Thị Ngọc Thảo. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “BS Thảo là một người rất nhiệt tình trong việc chỉ dạy “em út”, chị truyền đạt hầu hết những kiến thức của mình cho đồng nghiệp và không hề giấu giếm. Kể từ khi vào làm việc ở khoa tôi đã được BS Thảo hướng dẫn rất nhiệt tình. Đối với tôi, chị vừa là người chị vừa là một người thầy; tôi đã học được rất nhiều từ BS Thảo, từ chuyên môn cho đến phong cách làm việc rất thẳng thắn và sự phấn đấu trong công việc”.

Trong suốt gần 25 năm làm việc và nghiên cứu khoa học kể từ ngày ra trường, BS Thảo có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với quá trình hành nghề y. Chị chia sẻ: “Nếu đủ khả năng, tôi hy vọng đến cuối đời mình sẽ viết về những tấm gương hy sinh thầm lặng của những con người khoác lên mình màu áo trắng, những phút giây lặng người của những mảnh đời, những bất ngờ và kết thúc có hậu của những gia đình bệnh nhân, tất cả đi qua như những thước phim trong cuộc đời”.

Với BS Thảo, trong suốt quá trình hoạt động chuyên môn, chị luôn gắn kết 3 nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chị cho rằng: Những nhiệm vụ đó luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau, nhiệm vụ này luôn là tiền đề, điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ kia tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Nhưng không chỉ nhiệt huyết trong hoạt động chuyên môn, BS Thảo còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Giúp đồng bào các vùng bão lụt, khám bệnh từ thiện, đóng góp xây nhà tình nghĩa, tình thương, tình bạn… Với sự nỗ lực không ngừng và những đóng góp của BS Phạm Thị Ngọc Thảo cho ngành Y, chị liên tục được trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen của bệnh viện, Bộ Y tế... Bên cạnh đó, chị còn được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú và huân chương lao động Hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Sắp tới đây, BS Phạm Thị Ngọc Thảo còn được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia. Đây là giải thưởng thường niên dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.