Dấu vết giác hơi trên cơ thể Michael Phelps được nhiều người cho là nguồn gốc sức mạnh giúp anh thu hoạch cả nắm huy chương dù không còn trẻ. Liệu pháp này được giới vận động viên tín nhiệm đến nỗi các nhà khoa học không thể không quan tâm.

Vận động viên “cuồng” giác hơi

Đã 31 tuổi nhưng kình ngư Michael Phelps của Mỹ vẫn đoạt 5 huy chương vàng tại Olympic 2016. Khi phát hiện dấu giác hơi trên cơ thể Phelps, nhiều người cho đó là nguồn gốc sức mạnh của anh. Phelps cũng tiết lộ, mỗi lúc bị đau, anh thường nhờ bác sỹ giác hơi.

Vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ Chris Brooks và VĐV bơi Natalie Coughlin (Mỹ), Pavel Sankovich (Belarus)… cũng áp dụng giác hơi và coi đây là cách phục hồi tuyệt vời sau thi đấu. Bác sỹ của họ tin rằng liệu pháp này giúp giải độc, tăng lưu thông máu, giảm đau cơ, mất ngủ.

Kình ngư Michael Phelps - một “tín đồ” của liệu pháp giác hơi. Ảnh: Wane
Kình ngư Michael Phelps - một “tín đồ” của liệu pháp giác hơi. Ảnh: Wane

Phelps cho biết anh bắt đầu giác hơi từ năm 2015. Điều này không lạ bởi sau khi bộ phim “The karate kid” ra mắt với chi tiết nhân vật chính vượt qua chấn thương nhờ giác hơi để đăng quang ngôi vô địch, rất nhiều ngôi sao trong làng thể thao và giải trí đã áp dụng nó.

Không có hại, hiệu quả chưa rõ

Một nghiên cứu công bố năm 2010 ở Mỹ kết luận không có phương pháp tiêu chuẩn để đo hiệu quả của giác hơi. Các tác giả đã xem xét 550 nghiên cứu lâm sàng về giác hơi và cho rằng “78,1% trong số này bị nghi ngờ là có nguy cơ sai lệch cao”.

“Các bằng chứng hiện có không đủ khuyến nghị sử dụng lâm sàng liệu pháp giác hơi để điều trị bất kỳ bệnh nào, ở bất kỳ nhóm tuổi nào. Hiệu quả lâu dài chưa rõ, nhưng việc giác hơi nói chung là an toàn” - báo cáo kết luận.

Năm 2012, tạp chí PLoS ONE xem xét 135 nghiên cứu về giác hơi và kết luận liệu pháp này có thể có tác dụng trong việc chữa mụn, liệt mặt, thoái hóa đốt sống… nhưng không tác động tốt nào đối với VĐV được nói đến.

Một nghiên cứu của Trung Quốc năm 2015 cũng cho rằng cơ chế giảm đau của giác hơi chưa rõ ràng. Giác hơi có thể giúp đưa máu đến một khu vực nhiều hơn và điều đó giúp ích cho việc chữa bệnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều đó.

Các chuyên gia thống nhất rằng cần có thêm thử nghiệm quy mô lớn để xác nhận hiệu quả điều trị của giác hơi. Hiện chưa nghiên cứu nào khẳng định nó vô ích hay có hại sức khỏe. Chừng đó là đủ để một xu hướng mới về chăm sóc sức khỏe phát triển mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, đối với VĐV, giác hơi như một liệu pháp tinh thần, một dạng “mê tín dị đoan” trong dân gian, giúp làm tăng sự tự tin. Việc một VĐV giác hơi suốt cả giải cũng không lạ bởi họ tin rằng nếu dừng lại khi đang áp dụng suôn sẻ, chuyện xấu sẽ dễ xảy ra, kết quả thi đấu sẽ không tốt.