Từ lâu, các nhà khoa học đã đau đầu với câu hỏi tại sao rắn lại không có chân. Giả thuyết được nhiều người tạm chấp nhận là loài bò sát này đã tiêu biến chân khi bắt đầu cuộc sống dưới nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Science Advances của một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh) đã cho thấy loài rắn đã tiêu biến chân trong thích nghi với cuộc sống trong hang hốc.
Các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh đã nghiên cứu hộp sọ của loài rắn đã tuyệt chủng Dinilysia patagonica.
Hộp sọ này có niên đại 90 triệu năm - thuộc kỷ Creta - vừa được phát hiện ở Argentina. Loài rắn có chiều dài khoảng 2m này là họ hàng xa của loài rắn hiện đại đang tồn tại trên Trái đất.
Loài rắn Dinilysia patagonica khác biệt với nhiều loài khác là chúng có khả năng đào hang, săn lùng các loài động vật sống sâu trong lòng núi đá.
Bằng phương pháp chụp cắt lớp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình 3D ảo của rắn Dinilysia patagonica để so sánh với hóa thạch của những loài rắn, thằn lằn khác cũng như các loài bò sát đang tồn tại trên Trái đất.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận, Dinilysia patagonica là loài rắn đào hang lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất. Loài bò sát này chủ yếu dùng tai để phát hiện và săn lùng con mồi.
Quan trọng hơn, họ phát hiện một cấu trúc đặc biệt ở tai trong của loài rắn Dinilysia patagonica giống với các loài bò sát có chân như loài thằn lằn hiện đang tồn tại trên Trái đất. Các nhà khoa học nước Anh đưa ra kết luận rằng, loài này đã mất đi những đôi chân khi bắt đầu cuộc sống của mình trong hang hốc.
“Trước đây, các nhà khoa học luôn băn khoăn tại sao và khi nào chân của loài rắn biến mất. Giờ đây, bằng việc nghiên cứu hóa thạch của rắn Dinilysia patagonica - đặc biệt là cấu trúc khoang tai của nó, chúng tôi đưa ra giả thuyết khá thuyết phục rằng loài rắn đã mất đi chân của mình trong quá trình đào hang” - tiến sĩ Hongyu Yi (Đại học Edinburgh) - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo nhà khoa học này, tai của các hóa thạch giúp tiết lộ số lượng đáng kể các thông tin hữu ích của các loài sinh vật cổ đại, đặc biệt là trong trường hợp các bộ phận khác của hóa thạch bị phá hủy,theo thời gian hoặc hư hỏng khi các nhà nghiên cứu tiến hành công tác khai quật.
Tiến sĩ Mark Norell - nhà sinh vật học thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, thành viên của nhóm nghiên cứu - tiết lộ, kết quả nghiên cứu có sự đóng góp lớn của phương pháp chụp cắt lớp.
Tiến sĩ Mark Norell tiết lộ: “Cách đây khoảng 10 năm thì các nhà khoa học sẽ không thể có được thành tựu nghiên cứu như thế này.”
“Tuy nhiên, công nghệ chụp cắt lớp hiện đại đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn, giúp cho việc nghiên cứu các loài động thực vật cổ sinh trở nên đơn giản hơn. Chúng tôi hy vọng ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của các loài động vật khác như thằn lằn, cá sấu và rùa trong thời gian tới”- ông Mark Norell cho biết thêm.