Không ít người cho rằng trẻ con càng bụ bẫm càng khỏe mạnh, đáng yêu, “nuôi con bằng mắt” dường như đã trở thành “kim chỉ nam” của nhiều phụ huynh thay vì tham khảo bảng đánh giá chuẩn chiều cao, cân nặng của Tổ chức Y tế thế giới-WHO.

Béo khỏe - béo đẹp?

Theo quan niệm Á Đông, khi xưa, những đứa trẻ trong những gia đình giàu có thường trắng trẻo, mập mạp do không phải vận động nhiều. Nhiều người Việt Nam bây giờ vẫn có suy nghĩ đó với mong muốn con cháu mình sung sướng mà không để ý đến việc trẻ có thể bị thừa cân, béo phì.

vietnamnet

Không ít bà mẹ nuôi con khoa học bị những người xung quanh (ông bà, họ hàng, bạn bè, hàng xóm…) áp đặt vào tiêu chuẩn riêng của họ. Như chị Thanh Loan (Q. Tân Phú, TP.HCM), khi tổ chức thôi nôi cho con trai, có mời bà con ở quê lên dự, chưa kịp hỏi han, chị đã bị vài người họ hàng “quở”: “Sao mẹ nó để con gầy thế, chẳng chịu ép ăn à, hay là do sữa mẹ nóng?” Trong khi đó, con chị nặng 9,5kg, cao 78cm, bác sỹ khen là bé khỏe, phát triển đúng chuẩn.

Cùng cảnh ngộ, chị Mỹ Hạnh (Q.2, TP.HCM) cũng khổ tâm không kém: “Con trai tôi 3 tuổi, nặng 14kg và cao 100cm thường bị mọi người quở là suy dinh dưỡng, không bằng thằng cu nhà này nhà kia. Tôi cũng bị chê trách là không chịu mua váng sữa, yến sào, gà ác hay những món tẩm bổ khác, để mặc thằng bé còi cọc.”

Có thể thấy, tính cộng đồng trong văn hóa phương Đông có những ảnh hưởng nhất định lên việc nuôi con của các bậc phụ huynh. Bằng kinh nghiệm và suy nghĩ cá nhân của mình, nhiều thành viên trong gia đình, làng xóm, người quen sẽ nhìn nhận đứa trẻ và góp ý mang tính áp đặt về việc như thế nào là trẻ khỏe mạnh lên tạo áp lực tâm lý lên các bà mẹ. Trong khi đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ phát triển cân nặng, chiều cao đúng chuẩn và vận động tốt mới là khỏe mạnh, chứ không phải là ở vẻ ngoài bụ bẫm, mập mạp.

Vượt qua định kiến

WHO cảnh báo, thừa cân, béo phì ở trẻ em mang đến nhiều thách thức nghiêm trọng về sức khỏe. Béo phì không chỉ làm gia tăng khả năng mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, xương khớp, cao huyết áp, đái tháo đường mà còn ảnh hưởng đến khả năng vận động, tác động tiêu cực đến tâm lý, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Do đó, phát hiện và phòng ngừa tình trạng trẻ thừa cân, béo phì từ sớm, nhất là ở giai đoạn dưới 5 tuổi là rất quan trọng, nhằm tránh những hệ lụy khó khắc phục khi trẻ trưởng thành.

Nhưng làm thế nào để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ một cách khoa học chứ không cảm tính như nhìn bằng mắt? Theo TS. Marc Jacobson, giáo sư Nhi khoa và dịch tễ học thuộc Đại học Y Albert Einstein thì: “Khác với người lớn, trẻ thừa cân trông không béo, các em chỉ trông lớn hơn các bạn một chút, vì vậy việc kiểm tra chỉ số cơ thể của trẻ là rất quan trọng”. Bạn có thể tham khảo các bảng sau:

vietnamnet

vietnamnet

Khẩu phần ăn gợi ý

Làm thế nào để trẻ phát triển đúng chuẩn WHO? Có hai nguyên tắc mẹ cần lưu ý: dinh dưỡng và vận động. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ với các nhóm chất: đạm, đường, béo, xơ, vitamin và khoáng chất…, trong đó, cân đối chất đạm là yếu tố vô cùng quan trọng. nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ăn quá nhiều đạm trong giai đoạn nhũ nhi trẻ sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì trong tương lai. Việc chọn đúng các sản phẩm dinh dưỡng có đạm với hàm lượng và chất lượng tối ưu sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, phòng ngừa béo phì và ngoài ra còn có thể phòng ngừa dị ứng.

Từ 2-5 tuổi, trẻ có thể ăn cùng với người lớn, tự xúc ăn và ăn đều 3 bữa chính một ngày với các thực phẩm chứa các thành phần dinh dưỡng đa dạng: đạm, béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ… (VD: thịt, trứng, cá, rau, củ, quả, trái cây...) Bên cạnh đó, việc duy trì nguồn cung cấp sữa tương đương 3 cữ sữa mỗi ngày, mỗi cữ từ 200 - 250 ml là cần thiết cho sự phát triển tối đa của trẻ.

Bên cạnh dinh dưỡng, mẹ cần khuyến khích trẻ vận động bằng cách gợi ý các trò chơi thú vị theo độ tuổi để trẻ hào hứng tham gia như: nhảy múa, đuổi theo xe hơi đồ chơi, chơi bóng, đẩy xe, gà nhặt thóc, công chúa nhặt hạt đậu, xây kim tự tháp…