Sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính.Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hoá, viêm kết mạc mắt, phát ban có thứ tự. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và dễ phát thành dịch.
Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là do thể trạng yếu, sinh non, không được tiêm phòng vắc xin phòng ngừa đầy đủ. Người lớn cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh.
Trẻ bị sởi cần kiêng gì?
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, được chế biến dưới dạng chiên, rán, xào gây khó khăn trong tiêu hóa.
- Thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao.
- Các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu.
- Đồ uống có ga, có cồn không chỉ gây mất nước mà còn làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
- Tránh để mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng: Trẻ bị lên sởi thường rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là khi mắt đang bị đau nhức và ra ghèn gỉ. Mẹ nên dùng kèo rèm cửa để chắn sáng và cho bé ở trong phòng với ánh sáng yếu những vẫn đảm bảo thông thoáng.
- Các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
- Không nên cho bé kiêng nước lúc này vì da bé đang không khỏe mạnh nên càng cần được làm sạch để tránh viêm nhiễm. Do đó nếu để da bẩn, trẻ sẽ mệt mỏi thêm, dễ bị viêm da, thậm chí bội nhiễm, rất nguy hiểm.
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi tại nhà
Bổ sung vitamin A cho trẻ
Tổ chức y tế khuyến cáo vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em. Tất cả trẻ được chẩn đoán bị sởi nên được uống bổ sung 2 liều vitamin A, cách nhau 24 giờ.
Bổ sung vitamin A bằng đường uống được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó. Cụ thể, liều lượng cho bé theo độ tuổi như sau:
• Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng: 50.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ.
• Tuổi 6-11 tháng: 100.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ.
• Trẻ trên 1 tuổi: 200.000 IU ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ.
• Trẻ em có dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin A: 2 liều đầu tiên theo tuổi, từ 2 đến 4 tuần sau đó bổ sung thêm liều thứ 3 theo tuổi.
Vệ sinh cơ thể
Hàng ngày vệ sinh da, răng – miệng – mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da:
- Rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm.
- Thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội).
- Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.
- Ngoài ra bố mẹ có thể điều trị bệnh sởi cho trẻ bằng các bài thuốc Nam như tắm, rửa chân tay cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá lành như: kinh giới, lá mùi, trà xanh…
Vệ sinh môi trường
Điều trị bệnh sởi cho bé bao gồm làm sạch khuẩn những nơi vi khuẩn có thể lây lan.
- Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của trẻ đang mắc sởi.
- Để tránh lây nhiễm cho mình và những người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ.
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
- Giặt riêng quần áo của trẻ bị sởi, tốt nhất là giặt bằng nước nóng, phơi đồ nơi có nắng và thoáng gió.