Theo một nghiên cứu trên các game thủ ở Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chơi trò chơi điện tử vài giờ mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên phát hiện này có phù hợp với bối cảnh rộng hơn không thì còn phải xem xét thêm.

Nghiên cứu - được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2022 - phát hiện ra rằng ngay cả việc sở hữu một máy chơi game cũng làm tăng sự hài lòng trong cuộc sống và giảm bớt nỗi đau tâm lý.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Andrew Przybylski - nhà tâm lý học nghiên cứu về cách trò chơi điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người chơi tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, cho biết những phát hiện này là bước đầu hướng tới việc chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa trò chơi điện tử và lợi ích về sức khỏe tâm thần.

"Nghiên cứu này cung cấp một ví dụ thực tế, và các nhà nghiên cứu trò chơi điện tử trên toàn thế giới nên theo dõi sát sao," ông cho biết. Nhưng ông nói thêm rằng việc tiến hành thí nghiệm trong thời kỳ đại dịch có thể đã khuếch đại lợi ích về sức khỏe tâm thần của trò chơi điện tử vì sức khỏe tâm thần của mọi người nói chung kém hơn vào thời điểm đó và họ có ít cơ hội tham gia các hoạt động khác hơn. Ông cho biết tác động đối với sức khỏe sẽ cần được kiểm tra ngoài tình huống đại dịch.

Mặc dù các nghiên cứu đã khám phá tác động của trò chơi điện tử đối với chứng nghiện, sức khỏe, chức năng nhận thức và sự hung hăng, nhưng kết quả vẫn còn chưa đồng nhất. Hầu hết các nghiên cứu đã có đều dựa vào dữ liệu quan sát, không thể dùng để phân tích nguyên nhân và kết quả - theo đồng tác giả nghiên cứu mới, Hiroyuki Egami, nhà khoa học về hành vi tại Đại học Nihon ở Tokyo.

Theo Egami, nhiều nghiên cứu về trò chơi điện tử được thực hiện trong môi trường có kiểm soátphòng thí nghiệm, khiến việc đánh giá tác động của trò chơi điện tử đối với sức khỏe tâm thần trong cuộc sống thực tế trở nên khó khăn.

Khoảng ba tỷ người chơi trò chơi điện tử trên toàn cầu và trong thời kỳ đại dịch, con số đó đã tăng vọt. Tại Nhật Bản, nhu cầu tăng đột biến này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt máy chơi game Nintendo Switch và PlayStation 5 (PS5). Để giải quyết vấn đề, các nhà bán lẻ đã thiết lập một hệ thống "xổ số" để chọn ngẫu nhiên những người được mua máy chơi game khi hàng về. Egami và các đồng nghiệp của ông đã nhìn thấy cơ hội để tiến hành một thí nghiệm tự nhiên về trò chơi điện tử và sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu tập trung vào 8.192 người trong độ tuổi từ 10 đến 69 tham gia xổ số. Nhóm nghiên cứu thu thập thông tin về sức khỏe tâm thần, quyền sở hữu máy chơi điện tử và các đặc điểm nhân khẩu học xã hội của nhóm này thông qua năm vòng khảo sát với hai checklist, một để đo lường nỗi đautâm lý và một để đo lường sự hài lòng trong cuộc sống. Người tham gia cũng được hỏi liệu họ có chơi trò chơi điện tử trong 30 ngày qua không và nếu có thì trong bao lâu.

Những người tham gia được mua máy chơi game Switch hoặc PS5 đã giảm bớt sự đau khổ về mặt tâm lý và có mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn những người không trúng xổ số. Lợi ích về sức khỏe tinh thần khi sở hữu PS5 rõ rệt hơn ở nam giới, người chơi game thường xuyên và hộ gia đình không có trẻ em.

Mặt khác, việc sở hữu Switch dường như làm tăng hạnh phúcnhiều hơn cho các hộ gia đình và game thủ ít kinh nghiệm. Điều này có thể do Switch là máy chơi game cầm tay chơi được cùng người thân và bạn bè, trong khi PS5 chỉ có thể chơi bằng cách kết nối với tivi và thường có một người chơi, Egami cho biết.

Nhìn chung, chơi trò chơi điện tử trên bất kỳ máy chơi game nào cũng làm tăng mức độ hài lòng trong cuộc sống và việc chơi thêm một giờ mỗi ngày giúp cải thiện thêm sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, những tác động tích cực này giảm dần ở những người chơi dành hơn ba giờ mỗi ngày để chơi game, cho thấy thời gian chơi lâu không dẫn đến những cải thiện thêm về sức khỏe tinh thần.

“Những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên”, Daniel Johnson - nhà tâm lý học chuyên về trò chơi điện tử tại Đại học Công nghệ Queensland ở Brisbane, Úc, cho biết. “Chúng phù hợp với những gì chúng tôi đã biết khi trò chuyện với người chơi trò chơi điện tử trong nhiều thập kỷ”.

Przybylski nói thêm rằng một hạn chế của nghiên cứu này là nó không điều tra các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người chơi, chẳng hạn như cách họ tiếp cận trò chơi và trò chơi họ chọn.

Egami cho biết bước tiếp theo là tái lập kết quảnghiên cứu để xem liệu những phát hiện này có đúng không khi không có đại dịch. Và ông đồ rằng “kết quả có thể khác”.

Kết quả đã được công bố ngày 19/8/2024 trên tạp chí Nature Human Behaviour.

Nguồn: