Có những can thiệp đơn giản mà đem lại hiệu quả cao trong điều trị chứng tăng huyết áp như tuân thủ dùng thuốc hay thu âm lời kể về quá trình kiểm soát huyết áp của bản thân người bệnh rồi phát lại ở phòng khám, điểm y tế công cộng - theo một nghiên cứu mới trên các bệnh nhân người Việt.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy bệnh tim mạch (CVD) đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng 30% số ca tử vong hằng năm.
Những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường, chế độ ăn uống không lành mạnh và thừa cân. Đặc biệt, khoảng 20% người trưởng thành ở Việt Nam đang phải đối mặt với chứng tăng huyết áp và gặp khó khăn trong kiểm soát chứng bệnh này. Trong khi đó, thuốc chống tăng huyết áp nói chung dù không được cấp bằng sáng chế nhưng vẫn được phép bán rộng rãi trên toàn quốc, và có thể được bảo hiểm y tế công chi trả. Những loại thuốc này thường được khuyến nghị sử dụng kèm theo các biện pháp khác như điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống,... để đạt được hiệu quả. Việc thiếu sàng lọc thường xuyên về kết quả sử dụng thuốc cùng với việc nhận thức của người bệnh vẫn còn thấp, chưa tuân thủ lịch trình sử dụng thuốc tối ưu khiến gánh nặng về tăng huyết áp ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Xuất phát từ thực trạng trên, Viện Chiến lược và Chính sách y tế thuộc Bộ Y tế đã phối hợp với Khoa Khoa học Dân số và Sức khỏe Định lượng thuộc Trường Y học UMass Chan (Hoa Kỳ) thực hiện nghiên cứu “Khắc phục chứng tăng huyết áp ở Việt Nam: Kết quả theo dõi 12 tháng từ thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên theo cụm”.
Nghiên cứu được thiết kế trên 16 cộng đồng dân cư với tổng số 671 bệnh nhân trên 25 tuổi, không có vấn đề về sức khỏe nào khác ngoài huyết áp và đồng ý tự nguyện tham gia nghiên cứu, trong đó có tám cộng đồng can thiệp (gồm 340 bệnh nhân) và tám cộng đồng để so sánh (gồm 331 bệnh nhân).
Các bác sĩ, nhân viên y tế cộng đồng tại địa phương nghiên cứu được đào tạo về các lý thuyết phòng ngừa, quản lý huyết áp để theo dõi và xử lý các tình huống nguy cấp, trong khi mỗi bệnh nhân sẽ được phát tài liệu giáo dục phục vụ cho quá trình tự kiểm soát huyết áp của bản thân.
Ngoài ra, bệnh nhân trong nhóm can thiệp được nhận thêm ba can thiệp là can thiệp kể chuyện, theo dõi huyết áp tại nhà, và các dịch vụ mở rộng như thúc đẩy thực hiện lịch trình sử dụng thuốc, tư vấn và thăm khám từ nhân viên y tế cộng đồng.
Kết quả cho thấy có sự khác nhau về huyết áp tâm thu giữa các nhóm nghiên cứu trong giai đoạn theo dõi 12 tháng. Huyết áp tâm thu trung bình giảm 18,4 mmHg ở nhóm can thiệp và 3,7 mmHg ở nhóm so sánh. Huyết áp tâm trương cũng có sự cải thiện, huyết áp trung bình của bệnh nhân đã giảm 8,9 mmHg ở nhóm can thiệp và 2,4 mmHg ở nhóm so sánh.
Nhóm can thiệp cũng đạt được mức kiểm soát huyết áp và tuân thủ dùng thuốc tốt hơn nhóm so sánh. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến việc tham gia nghiên cứu. Kết quả này cho thấy việc can thiệp đa thành phần có thể làm giảm đáng kể chỉ số huyết áp ở những người mắc chứng tăng huyết áp tại Việt Nam.
Đặc biệt, biện pháp can thiệp kể chuyện qua nghiên cứu đã được chứng thực là một biện pháp sáng tạo, đơn giản và có hiệu quả cao trong điều trị cao huyết áp. Bệnh nhân kể lại quá trình đạt được thành tựu của họ trong kiểm soát huyết áp của bản thân; lời kể của họ được nhóm nghiên cứu thu vào đĩa DVD và phát lại ở phòng khám, điểm y tế công cộng tại địa phương và tại nhà của những bệnh nhân cùng tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, hai đĩa DVD cung cấp nội dung khoa giáo và các chỉ dẫn do nhóm nghiên cứu thiết kế cũng được cung cấp cho các bệnh nhân. Kết quả cho thấy, biện pháp này đã giúp cho người bệnh tiếp nhận thêm được nhiều kiến thức khoa giáo liên quan, chủ động tuân thủ lịch trình sử dụng thuốc hạ huyết áp và thay đổi lối sống tích cực hơn, từ đó cải thiện được tình trạng sức khỏe.
Với quy mô nghiên cứu được đầu tư trên diện rộng, kết quả của nghiên cứu có tính khái quát cao, có thể trở thành ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khắc phục chứng tăng huyết áp và xa hơn nữa là giảm thiểu bệnh về tim mạch tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên trang The Lancet Regional Health Western Pacific vào đầu tháng Bảy vừa qua.
Huyết áp tâm thu - hay còn gọi là huyết áp tối đa - là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp, thể hiện khả năng bơm máu của tim cung cấp đến các cơ quan.
Huyết áp tâm trương - hay còn gọi là huyết áp tối thiểu - là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra, phản ánh khả năng đàn hồi của thành mạch.
|
Nguồn: