Con người có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn khi món hàng được mua là một “biểu tượng” của tình yêu. Đó là kết quả của công trình nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố.
Thủng ví vì tình
Xu hướng tiêu tiền là một trong những chủ đề nghiên cứu quan trọng của các doanh nghiệp, các hãng sản xuất - dịch vụ và đương nhiên là cả các nhà khoa học. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Đại học Colorado Boulder (Mỹ) cho thấy, con người thường không chọn hàng rẻ tiền khi mua các vật phẩm có tính chất tình cảm cho người mình yêu quý.
Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu thường ngần ngại, không muốn chọn mặt hàng có giá rẻ hơn nếu như món hàng họ cần mua được xem là biểu tượng cho tình yêu.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá 3 khía cạnh của quá trình mua sắm: Nghiên cứu xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng, việc tìm kiếm món hàng và thương thảo giá cả.
Trong một thí nghiệm, những người tình nguyện được giới thiệu hai chiếc nhẫn đính hôn trong bối cảnh tiệc cưới. Một trong hai chiếc nhẫn có giá đắt hơn và kích cỡ lớn hơn chiếc kia. Khi được hỏi về lựa chọn của mình, phần lớn trong số họ chọn món hàng đắt hơn.
Các nhà khoa học cũng tiến hành thử nghiệm liên quan đến các mặt hàng mang tính chất tình cảm, chẳng hạn bình đựng tro cốt dành cho người thân hoặc hộp đựng đồng hồ cho ông bà, hay đơn giản chỉ là bánh dành cho người thân yêu của họ. Khi tất cả các yếu tố còn lại đều như nhau, mọi người có xu hướng bỏ qua món hàng có giá rẻ hơn, hoặc không cố gắng tìm các lựa chọn giúp giảm chi phí. Người mua quà thậm chí cũng không mặc cả để giảm giá. Nói một cách hình tượng, việc mua sắm bằng trái tim có thể sẽ gây ra một lỗ thủng lớn trong ví tiền.
Kiểm soát ví tiền, tránh bị “móc túi”
Theo các nhà khoa học, người bán hàng sẽ không ngừng khai thác xu hướng tâm lý “mua sắm bằng trái tim” để khiến khách hàng phải móc ví nhiều hơn mức cần thiết.
Một ví dụ rất thành công của việc “móc túi” khách hàng bằng các vật phẩm có ý nghĩa tinh thần là đồ trang sức bằng kim cương. Từ lâu, các nhà khoa học đã chỉ ra món hàng này không hề hiếm hoi đến mức phải có mức giá “trên trời” như chúng ta vẫn phải chịu khi quyết định bỏ tiền ra mua. Ngoài chức năng trang điểm, kim cương không hề có giá trị sử dụng thực tế lớn như vàng, bạc và việc bán lại cũng vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, các hãng tài phiệt - tiêu biểu là De Beers - đã thành công trong việc khiến cho khách hàng tin rằng “kim cương là vĩnh cửu”, rằng những viên đá này thành biểu tượng của hôn nhân, hạnh phúc và thành đạt. Với tâm lý đó, loài người vẫn liên tục móc hầu bao cho kim cương mà không quan tâm đến giá trị sử dụng gì khác ngoài ý nghĩa tinh thần.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Colorado Boulder cho rằng phát hiện của họ là chỉ dấu cho thấy khi mua quà với danh nghĩa tình cảm, chúng ta sẽ tiêu nhiều tiền hơn ngay cả khi điều đó là không cần thiết.
“Thói quen mua sắm của con người sẽ thay đổi khi họ mua đồ cho những người thân yêu của mình, bởi họ có cảm giác “không phải” khi tìm các món hàng tốn ít chi phí hơn” - Peter McGraw - Phó Giáo sư marketing và tâm lý học, tác giả chính của nghiên cứu trên - cho biết.
Con người bỏ qua các biện pháp tiết kiệm chi phí trong trường hợp mua các món quà có tính chất tình cảm, bởi họ muốn tránh phải quyết định về lượng tiền cần thiết dành cho một mối quan hệ tình cảm. Xu hướng này khiến họ rất dễ trở thành nạn nhân bị khai thác, lợi dụng trong lĩnh vực dịch vụ cưới hỏi, tang lễ và các dịch vụ liên quan.
Người tiêu dùng thường chỉ có nguồn lực tài chính hạn chế, nhưng họ luôn xem một số vật dụng nhất định là “vô giá”. Người bán hàng có thể nhận thấy điều này và lợi dụng nó để kiếm lợi cho mình.
“Điều quan trọng là chúng ta cần ý thức được xu thế tránh các giải pháp tiết kiệm chi phí như thế này. Những hoạt động mua sắm vật dụng biểu trưng cho tình yêu được tiến hành trong suốt cuộc đời, trong các đám cưới, đám tang, sinh nhật, lễ kỷ niệm và thậm chí các bữa ăn. Số tiền mà chúng ta lãng phí cộng lại có thể sẽ rất lớn, khiến chúng ta rơi vào tình trạng không an toàn về tài chính”- ông Peter McGaw kết luận.