Chọn làm việc với bệnh nhân nặng ngay từ khi bước vào nghề, các nghiên cứu cũng tập trung vào mục đích giành lại sự sống và giảm nhẹ nỗi khổ cho đối tượng này, TS Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết bà muốn đối mặt với áp lực cao để buộc mình cố gắng hết sức cứu người bệnh.

Tự tìm đến người mắc bệnh hiểm nghèo

Với gương mặt vui tươi, phúc hậu cùng giọng nói miền Nam trầm ấm toát lên sự gần gũi, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo tạo cảm giác nhẹ nhõm, an lòng cho những người đối diện bà. Không biết đó là phong thái bẩm sinh của nữ bác sỹ hay được hình thành, hun đúc từ những tháng năm tiếp xúc với bệnh nhân nặng - những người rất cần được nhân viên y tế truyền cho niềm tin để có sức mạnh chiến đấu với bệnh tật; nhưng có một điều chắc chắn, từ thời niên thiếu, TS Ngọc Thảo đã cảm nhận được bóng mây đen tối mà các bệnh nan y che phủ lên con người và điều đó đã định hướng cho bà trong sự nghiệp.

TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo trong lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015. Ảnh: Lê Loan
TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo trong lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015. Ảnh: Lê Loan

TS Ngọc Thảo lớn lên trong khó khăn, bố mẹ phải xoay đủ cách buôn bán để lo từng bữa ăn, từng khoản tiền sách vở, học phí cho 4 người con. Sự thiếu thốn không ngăn cản cô học trò ngày đó miệt mài học tập và dành tình yêu đặc biệt cho các môn khoa học tự nhiên. Thời học cấp ba, chứng kiến bà ngoại quằn quại chống chọi với những cơn đau do ung thư di căn, cô ước mong thi đỗ trường y để chữa bệnh cứu người từ đó.

Tốt nghiệp loại giỏi, sau một thời gian ngắn làm ở bảo hiểm y tế, đơn xin việc của bác sỹ Ngọc Thảo tại khoa Săn sóc đặc biệt - Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM được chấp nhận, khởi đầu cho sự gắn bó của bà với những con người đang thập tử nhất sinh. Được hỏi tại sao lại chọn về nơi toàn bệnh nhân nặng, công việc quá căng thẳng này, bà chia sẻ: Ngoài việc đây là môi trường bệnh tật phong phú giúp bác sỹ nâng cao tay nghề nhanh hơn, bà còn muốn áp lực cao ở khoa này buộc mình luôn nỗ lực để cứu sống người bệnh.

Cũng từ đây, bác sỹ Thảo bén duyên với nghiên cứu khoa học, bắt đầu từ những đề tài nhỏ như khảo sát yếu tố nguy cơ viêm phổi, nhận xét các trường hợp sốc phản vệ tại khoa Hồi sức cấp cứu… “Hồi đó, trang thiết bị dành cho nghiên cứu còn thiếu, máy thở không có, tài liệu tham khảo không nhiều, chưa có Internet, kinh phí hạn chế; nhưng vì đam mê, tôi vẫn nỗ lực nghiên cứu” - TS Ngọc Thảo tâm sự.

Bản thân từng mắc cúm A/H1N1 do lây từ người bệnh, phải điều trị mất một tuần, TS Ngọc Thảo cho biết, những lúc như vậy bà đều cố gắng hết sức để hồi phục nhanh bởi bệnh nhân đang chờ: “Mình phải khỏe thì mới giúp bệnh nhân được. Khi có bệnh, mình phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để chống chọi với nó”.

Mở cơ hội sống cho bệnh nhân lọc máu

Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận nhiều ca sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa tạng và viêm tụy cấp nặng, tỷ lệ tử vong 70-75% - tức trong 4 bệnh nhân vào viện, 3 người không qua khỏi. Đề tài “Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng” là kết quả những trăn trở, day dứt của TS Ngọc Thảo trong việc tìm kiếm thêm cơ hội sống cho các trường hợp này. Công trình giúp bà đoạt giải Kovalevskaia vừa được trao ngày 6/3. Để nghiên cứu thành công, TS Thảo và cộng sự đã phải khắc phục tình trạng thiếu thốn trang thiết bị kỹ thuật như máy lọc máu, màng lọc. Chi phí sử dụng những thiết bị này chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên việc ứng dụng rất khó khăn. Đến khi đề tài có những tín hiệu tốt, việc loại bỏ một số độc tố bằng phương pháp lọc máu liên tục mới được bảo hiểm chi trả.

Nhờ giải pháp này, tỷ lệ cứu sống các ca sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng đã tăng gấp đôi (cứ 4 ca bệnh thì 2 người được cứu sống, thay vì chỉ một như trước đây). Quy trình lọc máu liên tục được đưa vào nhiều bệnh viện trong cả nước, bệnh nhân không còn phải bỏ cả trăm triệu đồng ra nước ngoài điều trị. Kỹ thuật này còn có thể áp dụng để loại bỏ độc tố trong máu các bệnh khác như tay - chân - miệng nặng, bị ong đốt…

Một kỷ niệm khó quên của TS Thảo về phương pháp lọc máu liên tục là ca sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt một nữ công nhân cạo mủ caosu 26 tuổi, mang thai 7 tháng. Bệnh nhân đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đồng Nai, sau đó tái sốc, suy đa cơ quan nên được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Toàn thân người bệnh phù to, không còn nhận dạng được do hiện tượng thoát mạch, khắp người có rất nhiều nốt ong đốt đã hoại tử trung tâm, huyết áp tụt. Bệnh nhân rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, thai chết lưu.

Hôm đó, cả kíp trực của TS Thảo đã căng mình để giành lại mạng sống cho bệnh nhân: Xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, bảo đảm huyết áp, lọc máu, truyền plasma điều chỉnh rối loạn đông máu, hỗ trợ các tạng suy, chống nhiễm trùng…

“Đây là trường hợp rất hiếm hoi, bị 260 nốt ong vò vẽ đốt mà vẫn được cứu sống. Lúc đó tôi mừng vì bệnh nhân đã khỏe, nhưng buồn vì không cứu được cái thai” - TS Thảo nhớ lại.


Truyền lửa cho phái nữ làm khoa học

Ngoài vai trò bác sỹ điều trị, TS Phạm Thị Ngọc Thảo còn giảng dạy ở Đại học Y - Dược TPHCM, nghiên cứu khoa học, viết bài cho các tạp chí y khoa, trong khi vẫn chu toàn việc gia đình, nuôi dạy 2 con. “Hai vợ chồng đều làm ngành y với đồng lương eo hẹp, luôn phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, nhiều lúc phải tự bỏ tiền nghiên cứu, tôi cũng có những phút nản lòng, nhưng cứ nghĩ nghiên cứu cũng là cách giúp người bệnh có nhiều cơ hội sống hơn nên đã vượt qua tất cả” - TS Phạm Thị Ngọc Thảo tâm sự.

Hiểu rõ khó khăn của việc chữa bệnh cứu người cũng như nghiên cứu, TS Thảo càng tâm huyết với việc truyền lửa đam mê cho học trò để vượt qua thử thách. Với các học trò nữ, bà càng quan tâm tới việc rèn bản lĩnh cho họ. Lý do được đưa ra là bởi: “Đầu ra của một công trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi về hiệu quả chứ không phân biệt người thực hiện là nam hay nữ”.

Nói về thưởng cao quý dành riêng cho nhà khoa học nữ mà bà vừa nhận được, TS Phạm Thị Ngọc Thảo khiêm tốn: “Giải Kovalevskaia là vinh dự cho cả gia đình, đồng nghiệp chứ không chỉ của riêng tôi. Bản thân tôi và phái nữ chắc chắn sẽ có nhiều cố gắng hơn nữa để đóng góp cho nền khoa học nước nhà”.

BS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo sinh năm 1967, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Đại học Y - Dược TPHCM. Bà từng phụ trách hoặc tham gia nhiều công trình có tính ứng dụng cao như: “Hồi sức tạng trên bệnh nhân tim ngừng đập và hồi sức người bệnh nhận thận ghép từ người cho tim ngừng đập”, “Hồi sức ghép gan, xây dựng quy trình kỹ thuật trong hồi sức”... TS Thảo được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; bằng khen của Bộ Y tế liên tục từ năm 2008-2012.