Ngày 22/11, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH HelenCare tổ chức hội thảo “Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học” với sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam và Thuỵ Sỹ.

Mục đích của hội thảo là trao đổi, chia sẻ các phương pháp mới để điều trị các bệnh không lây nhiễm – trong đó có ung thư, đặc biệt là các phương pháp y sinh học. Theo báo cáo của TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm (như ung thư, tim mạch, tiểu đường, hen, COPD, loãng xương…) thuộc hàng cao trong khu vực (73%) và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên. Ông đặc biệt nhấn mạnh các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới rằng cần có chế độ ăn hợp lý, bổ sung nhiều rau và trái cây, tích cực luyện tập thể thao, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và hút thuốc lá.

d
Một diễn giả trình bày tại hội thảo.

Thuyết trình tại Hội thảo, TS Thomas Rau - Giám đốc y khoa của Trung tâm y sinh học Paracelsus, Thụy Sỹ - chia sẻ: "Bệnh tật chủ yếu là kết quả của sự gián đoạn trong cơ chế điều tiết của cơ thể. Khi chúng ta khắc phục sự gián đoạn và khôi phục chức năng điều tiết, cơ thể sẽ được chữa lành. Điều này xảy ra ở cấp độ tế bào - chúng tôi xây dựng lại cơ thể đến từng tế bào”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận về việc dự phòng ung thư và một số bệnh không lây nhiễm bằng giải pháp thải độc - tăng cường đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể ở cấp độ tế bào, bảo vệ tế bào và gan khỏi các độc tố, giúp ngăn ngừa ung bướu và các bệnh mãn tính do độc tố gây ra, làm đẹp da và hạn chế quá trình lão hóa.

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Mỗi năm, loại bệnh này gây tử vong cho khoảng 40 triệu người, chiếm khoảng 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Trong số đó, bệnh tim mạch gây tử vong nhiều nhất (17,7 triệu ca), theo sau đó là bệnh ung thư (8,8 triệu ca), bệnh đường hô hấp (3,9 triệu ca) và bệnh tiểu đường (1,6 triệu ca). Xu hướng tăng nhanh này là kết quả của những thay đổi về nhân khẩu học, chế độ ăn, lối sống và quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội trên toàn cầu.