Thói quen ăn quá nhanh có thể gây ra một số vấn đề xấu đối với sức khỏe như chứng béo phì, bệnh tim mạch hay các hội chứng chuyển hóa khác.
Bác sĩ Takayuki Yamaji, chuyên khoa tim mạch tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã tiến hành một nghiên cứu và phát hiện thấy những người nhai thức ăn quá nhanh có nguy cơ mắc phải một số vấn đề về sức khỏe như chứng béo phì, bệnh tim mạch hay các hội chứng chuyển hóa khác như tăng huyết áp, đường huyết cao và cholesterol HDL thấp ... Kết quả trên đã được trình bày tại Hội nghị khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2017.
BS Yamaji đã cùng các đồng nghiệp khảo sát trên 642 nam giới và 441 phụ nữ (độ tuổi trung bình là 51,2) trong năm 2008. Không ai trong số này mắc phải những hội chứng chuyển hóa kể trên. Những người tham gia được chia thành ba nhóm dựa trên tốc độ ăn: chậm, bình thường và nhanh.
Qua 5 năm, các nhà khoa học phát hiện thấy 11,6% trong số những người có thói quen ăn nhanh mắc các hội chứng chuyển hóa, bị nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, tiểu đường hay đột quỵ.
Tỷ lệ này ở những người thuộc nhóm có thói quen ăn với tốc độ bình thường hay chậm lần lượt là 6,5% và 2,3%.
"Việc ăn chậm là một sự thay đổi lối sống mang ý nghĩa quan trọng, giúp ngăn ngừa những hội chứng chuyển hóa. Khi ăn quá nhanh, chúng ta thường không thấy no và sẽ ăn quá nhiều, dẫn tới mức biến động nồng độ glucose trong máu lớn, có thể gây ra tình trạng kháng insulin" - BS Yamaji giải thích.
Hội Tim mạch Mỹ cũng khuyến cáo chúng ta nên nhai kỹ khi ăn, đồng thời bổ sung thêm các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ trong thực đơn hằng ngày. Quan trọng hơn, chúng ta cũng nên thường xuyên tập thể dục nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiến triển của các hội chứng chuyển hóa.
Jeremy Pearson - Ủy viên điều hành tại Quỹ Tim mạch Anh Quốc - cho biết xu hướng ăn nhanh thời hiện đại là thói quen không tốt để duy trì một trái tim khỏe mạnh. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những người có lối sống bận rộn, hay phải ăn vội vàng ngay tại bàn làm việc hoặc trên đường về nhà.
Quốc Hùng (Theo Science Alert)