Cuộc chiến giành giật sự sốngBệnh nhân là con của chị Bùi Thu Trang (ở Hà Nội). Khi mang thai đến tuần 34, qua siêu âm chẩn đoán trước sinh, chị Trang được phát hiện thai có dị tật bất thường. Với dị tật này, trẻ rất dễ bị suy hô hấp với nhiều diễn biến khó lường, tỉ lệ tử vong lên tới 50% nên gia đình rất lo lắng. Gia đình chị được khuyên gia đình tới gặp GS - TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City - người đã dày dạn kinh nghiệm phẫu thuật cho các trẻ dị tật như thế này.
Dựa trên kết quả thăm khám và siêu âm, GS Liêm cùng Hội đồng tư vấn cho các trường hợp được chẩn đoán dị tật trước sinh Vinmec đã lên kế hoạch đỡ sinh em bé, chăm sóc và phẫu thuật với sự phối hợp của nhiều chuyên gia khoa sản, sơ sinh, ngoại nhi, hồi sức.
Đúng như tiên lượng của các bác sĩ Vinmec, ngay khi vừa lọt lòng, do thoát vị hoành, toàn bộ ruột non, ruột già, lách của bé bị đẩy lên cao hơn so với bình thường, chèn ép vào phổi khiến thể tích phổi của bé dưới 1/3 thông thường. Bé bị tăng áp động mạch phổi nặng, suy thận, sốc nhiễm trùng nặng do nhiễm khuẩn từ mẹ. Do có sự chuẩn bị từ trước nên ngay lập tức bé được hồi sức tích cực sau sinh bằng máy thở cao tần, đồng thời sử dụng thuốc hạ áp động mạch phổi, hít khí NO ngay từ ngày thứ 2. Sau 5 ngày hồi sức tích cực như vậy, tình trạng huyết động, hô hấp ổn định hơn, nhưng áp lực động mạch phổi không cải thiện nhiều.
Chỉ thời gian vài phút để di chuyển xuống phòng mổ cũng tiềm ẩn diễn biến khó lường. Vì thế, GS Liêm đã quyết định phẫu thuật ngay tại buồng hồi sức sơ sinh và mổ nội soi để hạn chế tối đa các sang chấn đối với em bé. Trong khi mổ, bé vẫn tiếp tục phải thở máy thở cao tần và khí NO.
Sau cuộc mổ kéo dài chỉ hơn 1h đưa các tạng về đúng vị trí bình thường, bé tiếp tục được các bác sĩ khoa Sơ sinh Vinmec chăm sóc trong các điều kiện tối ưu về phương tiện hỗ trợ và chế độ dinh dưỡng. Sau 1 tuần, bé đã hoàn toàn cai được máy thở, cai hoàn toàn oxy, tự bú mẹ được, dừng các thuốc vận mạch, kháng sinh. Dường như đến lúc này, các bác sĩ và gia đình mới yên tâm thực sự về sức khỏe của em bé. Bé đã được xuất viện ngày 1.11, nặng 3,5kg, và trở về nhà trong niềm vui của gia đình, sau hơn 3 tuần nằm viện.
Nhớ lại những thời khắc không chỉ khó khăn đối với em bé mà cũng là thử thách lớn cả với gia đình, bố bé - anh Đào Nam Phong xúc động: “Không có GS Liêm, rất có thể vợ tôi không thể vững vàng và hồi phục như hôm nay. Cũng nhờ bàn tay vàng của GS mà con tôi mới có cuộc sống hôm nay”.
Hi vọng mới cho các bệnh nhân nhí
Là chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật thoát vị hoành bẩm sinh, đã từng mổ thành công hàng trăm trường hợp, GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Ở Việt Nam, trẻ mắc dị tật này khá cao từ 1 – 2/1.000 trẻ nhưng tỉ lệ sống sau sinh cho những trẻ bị tăng áp lực phổi nặng tương tự ca bệnh này từ trước đến nay rất thấp. Bởi nhiều trường hợp mắc dị tật ở mức độ nặng bị bỏ sót không được phát hiện dị tật trong bào thai, trong khi đó khi trẻ sinh thường ra có những diễn biến nguy kịch ngay. Vì thế, các bà mẹ khi mang thai cần tuân thủ thăm khám bác sĩ sản khoa định kỳ. Nếu có vấn đề dị tật, các bác sĩ có thể có kế hoạch chuẩn bị chăm sóc, cứu sống em bé ngay sau sinh. Đây là trường hợp đầu tiên thoát vị cơ hoành, kết hợp tăng áp lực động mạch phổi, suy thận, suy hô hấp phải thở máy cao tần, khí NO được cứu sống bằng mổ nội soi ở Việt Nam. Nếu không có hệ thống hồi sức đồng bộ hỗ trợ trong quá trình chăm sóc đặc biệt nhất trong khoa Sơ sinh, cháu bé sẽ không thể duy trì được sự sống và trở lại khỏe mạnh như vậy”.