Một khảo sát tại Anh do Tạp chí Girl Guides tiến hành cho thấy, gần một nửa nữ sinh trung học Anh có ý định phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) bởi “không thể chịu đựng được ngoại hình bản thân”. Tuy nhiên, PTTM có phải là “chìa khóa vạn năng” giúp bạn hạnh phúc?

Ám ảnh vì cái đẹp

Trong một bài trả lời trên tạp chí People của Mỹ, bác sĩ tâm lý Katharine Phillips - thuộc Bệnh viện Rhode Island’s Butler - cho biết, căn bệnh ám ảnh hình thể (body dysmorphic disorder - BDD) ảnh hưởng đến khoảng 5% người Mỹ, nhưng có tới 15% bệnh nhân từng PTTM cũng bị bệnh này. Thậm chí, một khảo sát tại Italia cho thấy có tới 6,3% bệnh nhân BDD ở nước này bị ám ảnh nặng hơn sau khi PTTM.

Trong khi đó, một cuộc điều tra trên 266 bệnh nhân đang tìm cách nâng mũi do các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Leuven, Bỉ tiến hành - được đăng tải trên tạp chí Phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ - cho thấy 33% số người được hỏi bị ám ảnh hình thể ở mức độ từ vừa tới nghiêm trọng.

Các điều tra trước đây cũng chỉ ra rằng, hầu hết những người bị ám ảnh hình thể không hề giảm bớt dấu hiệu này sau PTTM, thậm chí họ còn muốn tiến hành thêm nhiều ca “dao kéo” hơn nữa. Họ thường không hài lòng với kết quả và sẽ mổ đi mổ lại một bộ phận hoặc trên cả cơ thể.

Phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến chị em đẹp lên, nhưng chưa chắc làm chị em hạnh phúc hơn. Ảnh: Drjonjacobs.com
Phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến chị em đẹp lên, nhưng chưa chắc làm chị em hạnh phúc hơn. Ảnh: Drjonjacobs.com

Trào lưu tự tử sau làm đẹp

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Dịch tễ quốc tế Mỹ cho rằng, những hậu quả tâm lý có liên quan tới PTTM là “khu vực bị lãng quên đáng lên án”.

Còn các chuyên gia của tạp chí Nghiên cứu tâm lý đương đại - Mỹ cho hay, nguy cơ tự tử ở những phụ nữ từng PTTM cao gấp 3 lần người không phẫu thuật. Kết luận này được đưa ra dựa vào 5 cuộc nghiên cứu độc lập trên quy mô lớn.

Bác sĩ Briton và đồng nghiệp đã khảo sát nguy cơ thực hiện hành vi tự tự ở 13.000 phụ nữ tại Mỹ sau khi phẫu thuật chỉnh hình ngực. Họ nhận thấy, trung bình sau 14 năm, tỷ lệ tử vong chuẩn vì tự tử (tỷ lệ tử vong thực tế/tỷ lệ tử vong dự đoán vì tự tử trong dân) là 1,54, trong khi đó tỷ lệ này 5 năm sau phẫu thuật là 1,63. Tại Thụy Điển, tỷ lệ tử vong vì tự tử là 2,9 - tăng đáng kể ở những người đã phẫu thuật ngực. Tại Phần Lan và Đan Mạch, tỷ lệ này lần lượt là 4,26 và 3,1 và với phụ nữ Canada là 1,73.

Tuy không thể giải thích được nguyên nhân nhưng một vài nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, phụ nữ bơm ngực có sự khác biệt rất lớn với phụ nữ không phẫu thuật ngực.

Chẳng hạn, họ có chỉ số khối cơ thể thấp hơn, thường hút thuốc, nạo phá thai nhiều hơn, đẻ ít và sớm hơn, có trình độ học vấn thấp hơn và dễ bị bệnh về ngực hơn.

Không chỉ tự tử, những người từng PTTM thường có hành động tự hủy hoại bản thân như uống thuốc quá liều, lái xe bất cẩn và uống rượu quá chén. Điều này đúng đối với cả đàn ông.
Khủng hoảng tinh thần

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ của Mỹ, thất vọng, lo lắng, trầm cảm là dấu hiệu tâm lý thường thấy nhất ở những người từng làm đẹp bằng dao kéo.

Charles Nduka - bác sỹ PTTM tại Bệnh viện Queen Victoria (Anh) - giải thích: “Sự mong đợi quá mức vào kết quả phẫu thuật làm nảy sinh nhiều vấn đề. Dù có khoảng 20% số bệnh nhân được bác sỹ khuyên đi gặp các nhà tâm lý, nhưng rất ít người làm theo”. Họ thường tìm đến các bác sĩ PTTM ít tên tuổi hơn và tự đẩy mình vào vòng luẩn quẩn.

GS Ingela L. Kvalem ( Viện Nghiên cứu xã hội Na Uy), đồng tác giả nghiên cứu về tổn thương tinh thần của các cô gái trẻ trước và sau PTTM - giải thích rằng những cô gái PTTM có nhiều vấn đề hơn người khác: “Họ không hề nghĩ mình xấu hơn người khác, nhưng vẫn quyết đi phẫu thuật để cố gắng giải quyết những vấn đề khác trong cuộc sống”.

Một nghiên cứu được đăng tải trong cuốn sách “Dấu hiệu PTTM và ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe: Nghiên cứu tiến hành trên phụ nữ Nauy” của các tác giả Soest, Tilmann M von, Kvalem, Ingela Lundin và Wichstrom, Lars chỉ ra rằng, dù hài lòng với kết quả, các cuộc PTTM thường không giải quyết được vấn đề tâm lý của người đó. Các nhà nghiên cứu khảo sát 1.500 thiếu nữ trong vòng 13 năm và trong thời gian đó, họ không hề biết những phụ nữ này có được “dao kéo” hay không. Kết quả là 78 cô gái đã PTTM hay có cảm giác lo lắng, thất vọng và những dấu hiệu này tiếp tục tăng theo thời gian.

Trong một nghiên cứu khác, 98 phụ nữ và 2 nam giới đã trải qua 8 kiểu phẫu thuật trên khắp nước Mỹ được yêu cầu trả lời các câu hỏi về độ hài lòng, hình ảnh cơ thể, sự tự tôn cùng các dấu hiệu trầm cảm trước khi phẫu thuật và tại 4 thời điểm khác nhau trong vòng 2 năm. Kết quả là 89% hài lòng tới vô cùng hài lòng khi đưa ra suy nghĩ của mình về kết quả cuộc phẫu thuật. Sau 2 năm, 78% vẫn hài lòng với kết quả, nhưng 93% vẫn khẳng định sẽ PTTM lần nữa. Đặc biệt, những người này không hề cảm thấy lòng tự tôn của mình được nâng lên, dấu hiệu trầm cảm dường như không thay đổi.

Khắp thế giới, chị em thuộc nhiều lứa tuổi vẫn tiếp tục cậy nhờ phương pháp PTTM để làm đẹp mà quên mất rằng mình cần phải chuẩn bị tâm lý cho rất nhiều thứ: Cho thất bại, cho rủi ro, cho những vết sẹo có thể không bao giờ mất...

Bệnh ám ảnh hình thể là một dạng rối loạn tâm thần. Người bệnh thường không hài lòng với hình thể bản thân và thường tìm mọi cách để che giấu các khuyết điểm cơ thể (trang điểm, ăn mặc, PTTM. Nhiều người còn bị ám ảnh tới mức không dám ra khỏi nhà chỉ để không ai thấy ngoại hình của mình).