Chưa đầy vài thập kỉ tới, Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” như Nhật Bản, khiến nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần phải nhanh chóng được lấp đầy.

Người cao tuổi quận Thanh Xuân, Hà Nội tham gia văn nghệ ngày 6/9/2019 tại Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế
Người cao tuổi quận Thanh Xuân, Hà Nội tham gia văn nghệ ngày 6/9/2019 tại Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Kết thúc thời kỳ “dân số vàng”, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao

Năm 2011, tỷ trọng dân số trên 60 tuổi của Việt Nam đạt mốc 9.9%, đánh dấu thời điểm chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tính đến tháng 8/2018, số người cao tuổi (NCT) đã tăng lên 11,3 triệu người, chiếm 11,95% dân số. Hiện nay chỉ có Nhật Bản là nước có “dân số già”, tỷ lệ NCT vượt quá 30% nhưng WHO dự đoán đến 2050, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… đều sẽ vượt ngưỡng này. Điều đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới - đến năm 2030 sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng” và sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm, gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, Việt Nam cũng trải qua quá trình dịch chuyển dịch tễ học làm thay đổi mô hình bệnh tật và sức khỏe – theo hướng tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, các bệnh hô hấp mãn tính, rối loạn tâm thần…

Báo cáo của WHO cho biết trong năm 2016, có tới 77% trường hợp tử vong và 70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm. NCT Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình mỗi người đều mắc từ 3-4 bệnh, một số bệnh đòi hỏi điều trị nhiều năm liên tục.

Theo nghiên cứu năm 2009 “Báo cáo tổng quan về chính sách chăm sóc người già thích ứng với biến đổi cơ cấu tuổi tại Việt Nam” của Phạm Thắng và Đỗ Thị Khánh Hỷ thì chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí cho một trẻ em. Nếu không khống chế giảm bệnh và các khuyết tật của NCT thì gánh nặng về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân cư trên sẽ tăng vọt trong thập kỉ tới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cần sớm điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi lớn này.

Thiếu hụt chăm sóc dài hạn

Báo cáo “Góc nhìn Việt Nam: Quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi” do tổ chức phi chính phủ HelpAge International thực hiện dựa trên báo cáo kỹ thuật của PGS. Hoàng Văn Minh (trường Đại học Y tế công cộng) và PGS. Kim Bảo Giang (trường Đại học Y Hà Nội), được trình bày trong buổi tọa đàm chính sách “Tiến tới bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam” tổ chức tại Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế ngày 6/9, cho thấy khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi còn thấp.

Cách tiếp cận theo suốt cuộc đời để già hóa khỏe mạnh | WHO
Cách tiếp cận theo suốt cuộc đời để già hóa khỏe mạnh | WHO

Có đến 68% số người đang có bệnh ở độ tuổi 50-69 cho biết họ không được điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Khả năng tiếp cận dịch vụ phòng ngừa và điều trị cũng khác nhau đối với từng loại bệnh không lây nhiễm, ví dụ chỉ có 42% NCT bị tiểu đường đã được sàng lọc, bằng một nửa tỷ lệ ở nhóm cao huyết áp (80%).

Các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cho biết việc NCT khó tiếp cận các dịch vụ y tế gắn với các bệnh không lây nhiễm một phần là do sự chắp vá trong việc cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men và chuyên môn ở cơ sở y tế các cấp, một phần do các quy định liên quan đến danh mục dịch vụ y tế được Bảo hiểm Xã hội chi trả. Mặc dù trên danh nghĩa, có tới 96% NCT trên 60 tuổi có bảo hiểm y tế (con số này còn đang gây tranh cãi) nhưng theo Báo cáo thì sự chênh lệch về độ bao phủ bảo hiểm y tế giữa các nhóm tuổi, trình độ học vấn và thu nhập của NCT có thể lên tới 20-30%.

Mặc dù Kế hoạch hành động quốc gia về NCT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tất cả bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh cần có khoa lão, nhưng hiện cả nước chỉ có một bệnh viện lão khoa trung ương, 97 bệnh viện tỉnh có khoa lão nhưng cũng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện trang thiết bị và chất lượng khám chữa bệnh. Về cơ bản, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay vẫn thiên về chữa trị bệnh trong ngắn hạn, gần như không có hệ thống chăm sóc dài hạn, hệ thống y tế dự phòng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Việc chăm sóc dài hạn hiện trong xã hội chủ yếu vẫn do người thân, gia đình tự đảm nhận; luật khám chữa bệnh chưa có khung pháp lý hỗ trợ cho hoạt động này, ví dụ các chế độ cho người nhà được nghỉ chăm sóc NCT mà không trừ lương…

Giải pháp chăm sóc tại cộng đồng

Thông thường chăm sóc sức khỏe có cấp độ khác nhau. Trước hết là Chăm sóc ban đầu (Primary Care), gồm các dịch vụ y tế hàng ngày, dễ tiếp cận, như hướng dẫn phòng ngừa, sàng lọc, điều trị bệnh và thương tích phổ biến, cung cấp thuốc thiết yếu, phục hồi chức năng…

Y tế cơ sở (tại thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã) được xem như “người gác cổng” của chăm sóc ban đầu. Tiếp đến là Chăm sóc thứ cấp (Secondary Care), thường được gọi là chăm sóc tại bệnh viện, bao gồm những điều trị trong thời gian ngắn cho những bệnh cấp tính, chấn thương nghiêm trọng hoặc một vài vấn đề sức khỏe khác.

Chăm sóc cấp độ ba (Tertiary care) là gồm các biện pháp tư vấn chuyên ngành như điều trị ung thư, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tim, phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị bỏng nặng,… và trên cùng.

Chăm sóc cấp độ bốn (Quaternary care) là các biện pháp y học tiên tiến có tính chuyên môn cao, không được tiếp cận rộng rãi như y học thực nghiệm, quy trình chẩn đoán hoặc phẫu thuật hiếm gặp...

Ngoài hệ thống nói trên còn có Y tế công cộng (Public Health), là lĩnh vực tập trung vào sức khỏe cho tất cả mọi người, thực hiện thông qua khuyến khích các hành vi lành mạnh trong cộng đồng và cải thiện môi trường xung quanh. Y tế công cộng bao gồm các chức năng như phòng bệnh, giám sát việc sẵn sàng phản ứng với các loại bệnh, bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức khỏe, giảm thiểu khả năng bệnh tật và thương tích, kéo dài tuổi thọ,…

Người cao tuổi tập thể dục

Việc Chăm sóc tại gia và tại cộng đồng (Home care, community care) cũng được xem là một bộ phận gắn với Y tế công cộng nhằm phục vụ chăm sóc dài hạn ngay tại khu dân cư. Chăm sóc tại cộng đồng có thể do các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp được cấp phép, các cá nhân có chứng chỉ y tế, hoặc nhân viên phi y tế (không cần giấy phép) đảm nhận.

Do tình trạng già hóa dân số ngày càng phổ biến và xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, không có một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ, có thể chịu được gánh nặng chăm sóc sức khỏe theo cách lệ thuộc vào bệnh viện. Các đất nước ngày càng phải ưu tiên theo hướng giúp NCT được hưởng cuộc sống đầy đủ, độc lập và thoải mái nhất có thể tại khu dân cư của họ.

Những kinh nghiệm cay đắng mà Nhật Bản đã đúc kết được khi đối phó với già hóa dân số là phải chuyển từ việc chăm sóc người cao tuổi ở bệnh viện rất tốn kém sang việc chăm sóc tại cộng đồng và nhấn mạnh vào dự phòng”, bà Chu Xuân Hoa, đại diện từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chia sẻ trong buổi tọa đàm ngày 6/9.

Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong việc chuyển đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chiến lược chung của ngành y tế hiện nay là tập trung vào Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care, một sự kết hợp giữa Chăm sóc ban đầu và Y tế công cộng) nhằm đảm bảo mục tiêu Bao trùm Chăm sóc sức khỏe Toàn dân. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc thực hiện Đề án 2348 về “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở” bắt đầu từ năm 2016. Tham vọng đặt ra là nâng cao năng lực được cho hơn 11.000 trạm y tế xã.

Mặc dù cả nước đã có khoảng 90% trạm y tế có bác sĩ làm việc và 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã nhưng do nhiều hạn chế về chất lượng và người dân có thói quen bệnh nặng mới đi chữa nên tỉ lệ chuyển tuyến, vượt tuyến còn khá phổ biến, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Sau 10 năm thực hiện Luật Người cao tuổi (2009), việc triển khai chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nhiều nơi cư trú còn xa so với quy định pháp luật, từ những việc căn bản như khám sức khỏe định kỳ đến lập hồ sơ theo dõi sức khỏe “hầu như chưa làm được” do thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ.

Từ vài năm nay, cả nước thí điểm 26 trạm y tế tại 8 tỉnh, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực để thực hiện công tác tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng bệnh, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quản lý bệnh không lây nhiễm... Nếu thành công mô hình sẽ được nhân rộng khắp nước.

Người bệnh có BHYT khám bệnh tại Trạm y tế xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Người bệnh có BHYT khám bệnh tại Trạm y tế xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất ngành y tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay là cơ chế tài chính (đầu tư và chi BHYT) cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp cơ sở còn rất hạn chế. Ngoài ra, mô hình hợp tác công - tư vẫn chưa được thực hiện hiệu quả do thiếu cơ chế khuyến khích cho tư nhân đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Với tương lai sẽ chiếm tới trên 30% dân số, NCT là một trong những đối tượng cần nhất về chăm sóc ban đầu ở các trạm y tế tại cộng đồng. Nhà nước sẽ cần thiết kế các chính sách tốt hơn để khu vực ngoài công lập có thể bắt tay cùng tham gia xây dựng các hệ thống dịch vụ chăm sóc, dịch vụ nuôi dưỡng, dịch vụ phục hồi chức năng chuyên nghiệp dễ tiếp cận.

Vấn đề đội ngũ cũng sẽ là bài toán khó khăn mà Việt Nam phải gấp rút thực hiện. BS. Tom Von Der Velden, Giám đốc chuyên môn Phòng khám gia đình Việt Úc, một công ty tư nhân có dịch vụ điều dưỡng tại nhà dành cho NCT ở Hà Nội, nhận thấy Việt Nam có “chính sách xuất khẩu” rất nhiều điều dưỡng viên, nhân viên y tế sang các nước Đức, Nhật để học tập và làm công việc chăm sóc NCT ở nước ngoài, trong khi chỉ chưa đầy vài chục năm tới gánh nặng dân số sẽ đè nặng lên đất nước. Liệu có lúc nào đó Việt Nam phải “nhập khẩu” nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp từ các quốc gia khác? Ông cho rằng Việt Nam nên tập trung mạnh hơn việc đào tạo trong nước để tạo ra lực lượng cho cộng đồng với một nhu cầu ngày càng gia tăng.

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Từ năm 2016, Bộ Y tế đã triển khai “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”, trong đó ngoài nhiệm vụ về nâng cao năng lực của y tế cơ sở còn có nội dung quan trọng về thí điểm xã hội hóa mô hình chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày. Theo đó, dưới sự phối hợp với đối tác HelpAge International, 27 tỉnh thành trên cả nước đã triển khai các “Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau” gồm ít nhất 5 - 10 tình nguyện viên (thường là NCT khác, người trẻ tuổi hơn, bác sĩ, y tá nghỉ hưu hoặc nhân viên được đào tạo về y tế) để chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi ốm yếu, có bệnh mạn tính, sống một mình, thiếu người chăm sóc và khó khăn về kinh tế. Các CLB đã triển khai nhiều hoạt động về truyền thông sức khỏe, văn hóa, thể dục, thể thao.

Hoạt động thể dục của các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa
Hoạt động thể dục của các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa
Theo ông Phạm Minh Tâm, chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 1, xã Dân Quyền (Thanh Hóa) thì khoảng "90% thành viên được khám sức khỏe định kì ít nhất 2 lần/năm; 85% thành viên rèn luyện sức khỏe 3 lần/tuần theo cá nhân hoặc 2 lần/tuần theo nhóm. Mỗi năm CLB tổ chức tối thiểu 4 buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng chống các bệnh thường gặp với NCT". Đây là các hoạt động cơ bản trong khung chương trình của các CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

Một số CLB đã có khả năng gây quỹ để tự duy trì hoạt động. Các CLB này đã bắt đầu trở thành “cánh tay” để vận động chính sách cho quyền lợi của NCT và giúp các thành viên tiếp cận với quyền bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, tài chính.

NCT tham gia vào mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau đều đánh giá cao lợi ích đem lại và cách thức tổ chức hoạt động của nó. Nếu thành công, mô hình này sẽ góp phần lấp đầy một vài khoảng trống về CSSK dài hạn mà các cơ sở y tế, gia đình hiện không thể đảm đương hết.


Người cao tuổi mong muốn gì ở hệ thống chăm sóc sức khỏe?

Bà Nguyễn Thị Điểm (72 tuổi), Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.

“Điều NCT chúng tôi đang cần nhất là được tư vấn sức khỏe. Người cao tuổi có rất nhiều bệnh nhưng hầu như không phải ai cũng nắm rõ hết cách phát hiện hay phòng bệnh. Có những bệnh như tai biến diễn tiến rất nhanh, chỉ vài tiếng là có thể qua đời rồi, nhưng nếu được hướng dẫn cách xử lý thì những người ở gần có thể tự xử lý trước được những tình huống đó.

Thêm vào đó, người cao tuổi cũng rất muốn rèn luyện thể chất. Mỗi xã tại Đan Phượng đều được huyện trang bị cho một bộ 10 dụng cụ để tập luyện. Cái này còn hiệu quả hơn là đầu tư vào bệnh viện. Chúng tôi thấy tất những gì giúp người ta khỏe mạnh không phải đi bệnh viện thì đều cần khuyến khích, nó không chỉ có lợi cho người cao tuổi mà cả người ít tuổi cũng tự nâng cao được sức khỏe của mình. Chúng tôi cũng mong có nhiều hơn các viện lão khoa ở cấp quận/huyện để gần nơi sinh sống hơn."

Ông Hội (70 tuổi), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Chúng tôi rất ngại trong việc tiếp cận y tế vì khoảng cách xa xôi. Bây giờ xe buýt ở Hà Nội đã được miễn phí cho tất cả người cao tuổi, tôi thấy đó cũng là việc rất thiết thực. Nhưng tôi cũng rất mong có nhiều hơn các viện lão khoa ở cấp quận/huyện để gần nơi sinh sống hơn.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng hy vọng tuyến y tế Trung ương sẽ chấp nhận các kết quả khám tại tuyến y tế cơ sở dưới, như vậy sẽ tiết kiệm được công sức, chi phí đi lại cũng như giảm quá tải bệnh viện