Báo cáo “Global AgeWatch Insights Vietnam” cho biết tổng quan về quá trình già hóa dân số, tuổi thọ, những nguyên nhân chính gây tử vong, và tình trạng mắc một số bệnh thường gặp ở người già Việt Nam từ những năm 1990 đến nay.

Báo cáo “Global AgeWatch Insights Vietnam” được thực hiện bởi Tổ chức phi chính phủ HelpAge International và được tài trợ một phần kinh phí từ tổ chức Hiệp hội người về hưu Mỹ (AARP), thuộc hệ thống báo cáo Global AgeWatch Insights cho 12 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.

Các báo cáo Global AgeWatch Insights cung cấp cái nhìn tổng quan về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe của người già trên toàn thế giới, đồng thời minh họa những thiếu hụt vẫn còn tồn tại về sức khỏe và phúc lợi dành cho người cao tuổi. Báo cáo cũng cho thấy việc các hệ thống y tế và bảo hiểm y tế phải thích ứng như thế nào khi gánh nặng bệnh tật toàn cầu chuyển sang các bệnh không lây nhiễm. Những lộ trình hành động cụ thể cho các quốc gia để thu hẹp khoảng cách và vượt qua những trở ngại trong chăm sóc sức khỏe cũng được đề cập trong báo cáo tổng quát.

Nguồn dữ liệu của Global AgeWatch Insights bao gồm các ước tính từ nghiên cứu gánh nặng bệnh tật của Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe Mỹ; Dữ liệu Quan sát sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO; Dữ liệu dân cư của Liên hiệp quốc; Báo cáo An sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

Những phát hiện chính đối với Việt Nam

Số liệu tổng quát về già hóa ở Việt Nam

Có khoảng 10,7 triệu người trên 60 tuổi ở Việt Nam, nhưng số lượng và tỷ lệ sẽ gia tăng nhanh chóng trong vài thập kỉ tới. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm gần 30% dân số

Ở ngưỡng tuổi 60, người cao tuổi được kì vọng sống thêm 22,7 năm nữa, trong đó có 17,2 năm sống khỏe mạnh.

Hiện chỉ có khoảng 40% người cao tuổi có lương hưu.

Chính phủ Việt Nam đã đưa vấn đề về già hóa dân số vào trong các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Dưới đây là một số biểu đồ chi tiết về tình hình bệnh tật và sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam.

Cơ cấu dân số Việt Nam
Dân số Việt Nam dự kiến ​​sẽ vượt 106 triệu vào năm 2030. Dân số già (từ 60 tuổi trở lên) sẽ tiếp tục tăng và đạt trên 30% vào khoảng 2050, đánh dấu mốc dân số già, trong khi dân số trẻ nhất (từ 0 đến 14 tuổi) sẽ tiếp tục giảm tổng thể đến cuối thế kỷ.

Tuổi thọ
Cả nam và nữ đều sống thọ hơn. Mặc dù người cao tuổi nữ được kì vọng sẽ sống lâu hơn nam giới 9,2 năm và có tuổi thọ kì vọng khỏe mạnh cao hơn nam giới, nhưng số năng sức khỏe kém - thể hiện bằng khoảng cách giữa LE và HALE - của phụ nữ (10,2 năm) lại lớn hơn so với đàn ông (7,5 năm)

Số năm sống với bệnh tật
Thay đổi mô hình bệnh tật. Khi dân số già đi, gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam đang dịch chuyển. Các bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm 83,8% tổng số năm sống ở Việt Nam (năm 2015), trong khi đó tỷ lệ bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm ở cả 2 giới và ảnh hướng nhất với nhóm 15-49 tuổi. Càng về già, các bệnh như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng trở nên nổi bật hơn (đặc biệt là ở nam giới)

Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân tử vong cũng khác biệt giữa các thế hệ. Với những người trẻ tuổi hơn, chấn thương và các bệnh truyền nhiễm (ví dụ sởi, thủy đậu, viêm gan B, lao, ho gà, sốt rét, kí sinh trùng, viêm màng não, tiêu chảy cấp do virus...) dẫn đến 51% trường hợp tử vong ở nam và 39% ở nữ, còn lại là các bệnh không truyền nhiễm.

Ngược lại với những người cao tuổi, các bệnh không lây nhiễmgây ra hơn 85% tổng số ca tử vong ở nam và nữ trong năm 2015. Với nhóm tuổi 50-69, tim mạch và ung thư chiếm tỷ trọng rất lớn. Với nhóm trên 70 tuổi, bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới.

bệnh trầm cảm
Tỷ lệ bệnh trầm cảm nặng ở người cao tuổi nữ nhiều hơn người cao tuổi nam. Ở cả hai giới, tỷ lệ này tăng trong độ tuổi 50-60, sau đó giảm dần cho nam giới. Với phụ nữ, tỷ lệ này giảm ở độ tuổi 60-80 nhưng tăng trở lại với đối tượng trên 80 tuổi.

Bệnh về trí nhớ
Ở Việt Nam, tỷ lệ sa sút trí tuệ ở nam và nữ là tương tự nhau cho đến khoảng 70 tuổi, khi đó tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới đều tăng nhanh và tỷ lệ tăng của nữ giới cao hơn nam giới (khoảng xấp xỉ 5%)

bạo lực
Cùng một độ tuổi, tỷ lệ bạo lực về thể xác, tình dục và tâm lý ở người cao tuổi nữ cao hơn người cao tuổi nam. Khoảng cách giới tính lớn nhất đối với nhóm 80-84 tuổi, tỷ lệ bạo lực với nam giới là 2,5% trong khi nữ giới là 6,2%.

Bao phủ chăm sóc sức khỏe
Tiếp cận và tài chính cho chăm sóc sức khỏe. Chi phí y tế tự chi trả ước tính của các hộ gia đình ở Việt Nam tăng từ 39,1% năm 2011 lên 43,5% năm 2015, tương đương với mức từ 102 USD/người lên 145 USD/người (số liệu WB, tính theo ngang giá sức mua năm 2015). Tỷ lệ phải chi cho các thảm họa ốm đau chiếm gần 10% dân số.

Chỉ số UHC đo lường mức độ bao phủ của một loạt các dịch vụ thiết yếu. Việt Nam đang ở mức 73/100 điểm, trong khi mức giá trị trung vị của các quốc gia là 65.

Tuy nhiên, người cao tuổi phần lớn vẫn “vô hình” trong việc theo dõi Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC). Hiện tại, các dịch vụ y tế có tính đến 2 mối quan tâm đặc biệt cho người cao tuổi là tiếp cận điều trị bệnh tiểu đường và bệnh cao huyết áp nhưng do khoảng trống trong các bộ dữ liệu được sử dụng để theo dõi UHC (không phân chia chi tiết độ tuổi) nên báo cáo không thể tìm ra những phát hiện hệ thống về việc tiếp cận điều trị của người cao tuổi.