Khoảng 20% số vụ tai nạn ô tô gây tử vong có liên quan đến tình trạng mệt mỏi của người điều khiển xe. Một nghiên cứu mới đây còn chỉ ra chính những rung động tự nhiên của xe là nguyên nhân khiến lái xe buồn ngủ hơn, ảnh hưởng tới sự tỉnh táo và mức độ tập trung chỉ sau 15 phút cầm lái.
Với phát hiện trên, những chuyên gia của Đại học RMIT (Úc) kỳ vọng các hãng sản xuất ô tô sẽ tìm cách cải thiện thiết kế hệ thống ghế lái để giúp tài xế cảm thấy tỉnh táo hơn. Giáo sư Stephen Robinson – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết, phần lớn mọi người đều chưa hiểu rõ những ảnh hưởng của các rung động vật lý đối với lái xe, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng góp phần đáng kể gây ra cảm giác buồn ngủ.
“Cứ 5 người Úc lái xe thì có 1 người cho biết từng ngủ gật khi đang tham gia lưu thông – đó thực sự là một vấn đề nghiêm trọng. Khi mệt mỏi, chẳng bao lâu bạn sẽ bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Chúng tôi nhận thấy chính những rung động nhẹ nhàng của ghế khi xe chạy có lẽ đã ru não và cơ thể chìm vào giấc ngủ. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra, rằng các rung động ổn định ở tần số thấp sẽ khiến lái xe dần cảm thấy buồn ngủ, ngay cả với những người khỏe mạnh và thường xuyên được nghỉ ngơi. Ngay sau khi cầm lái khoảng 15 phút, cơn buồn ngủ đã bắt đầu len lỏi và sẽ ảnh hưởng đáng kể tới khả năng tập trung và sự tỉnh táo của bạn chỉ sau nửa tiếng” - Robinson phát biểu.
Vì vậy, để cải thiện tình trạng an toàn giao thông, Robinson cùng các cộng sự mong muốn những thiết kế ghế xe hơi trong tương lai có thể sẽ được tích hợp thêm các tính năng làm gián đoạn hiệu ứng ru ngủ này và có tác dụng chống lại cơn buồn ngủ do những rung động trong xe gây ra. Đặc biệt, nhóm đã thực hiện một thí nghiệm mô phỏng – tái tạo lại trải nghiệm lái xe trên đường cao tốc hai làn – đối với 15 tình nguyện viên. Các thiết bị phục vụ cho việc mô phỏng được lắp đặt theo cơ chế để có thể rung ở những tần số khác nhau, và các tình nguyện viên sẽ tham gia thí nghiệm hai lần – một lần với rung động ở tần số thấp (4 – 7Hz) và một lần khác không có rung động. Kết quả mô phỏng cho thấy, chính các rung động đã làm những tình nguyện viên trở nên mệt mỏi và thực thi các tác vụ trí não khó khăn hơn, cũng do hệ thần kinh của họ bị kích hoạt để hỗ trợ cơ thể, dẫn tới những thay đổi liên quan đến nhịp tim.
Nhờ quan sát sự thay đổi nhịp tim (HRV) của các tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu có thể lập biểu đồ cho cơn buồn ngủ của họ trong 60 phút thí nghiệm một cách trực quan. Cụ thể, khoảng 15 sau khi bắt đầu các rung động, tình nguyện viên thường có dấu hiệu buồn ngủ ngay. Sau khoảng 30 phút, cảm giác đó càng gia tăng đáng kể và đòi hỏi cơ thể phải rất cố gắng mới có thể duy trì sự tỉnh táo lẫn khả năng nhận thức. Và cuối cùng, cơn buồn ngủ sẽ đạt đến đỉnh điểm sau 60 phút.
PGS. Mohammad Fard – cộng sự của GS. Robinson – cho biết, cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác minh và củng cố những phát hiện trên, đồng thời cũng phải tính đến mức độ ảnh hưởng của rung động đối với người thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau. “Chúng tôi muốn thực hiện nghiên cứu trên một tập hợp lớn hơn, và đặc biệt là để kiểm chứng xem tuổi tác có ảnh hưởng như thế nào đến cơn buồn ngủ do những rung động gây ra, cũng như tác động của một số vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn hiện tượng ngừng thở khi ngủ”
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thấy rung động ở một vài tần số nhất định có thể đem lại tác dụng ngược, khiến mọi người trở nên tỉnh táo. “Vì vậy, chúng tôi cũng muốn khảo nghiệm trên một dải tần số rộng hơn nhằm khuyến cáo các công ty chế tạo xe hơi khai thác những rung động có lợi cho mục đích an toàn” - Fard cho biết.
Nhật Phạm (Theo Sciencedaily)