Một hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ là sự nôn trớ khi trẻ được ăn hoặc bú quá no. Tuy nhiên, nếu trường hợp đó xảy ra thường xuyên ngay cả khi bạn không cho trẻ ăn no hoặc khi bé thay đổi tư thế đột ngột thì bạn nên nghĩ ngay đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược axit ở trẻ là một tình trạng phổ biến, thường xảy ra khi dịch dạ dày lên thực quản thay vì chiều tự nhiên là từ thực quản xuống dạ dày. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do:
- Tư thế cho trẻ bú chưa đúng : Thường thì các mẹ hay nằm cho con bú đặc biệt là vào ban đêm. Ở tư thế này, trẻ dễ nôn trớ hơn do lúc này dạ dày như một cốc sữa nằm ngang khiến sữa dễ trào ra ngoài.
- Thức ăn của trẻ là sữa, bột hay cháo: Đây đều là những thức ăn lỏng nên dễ lọt qua cơ thắt thực quản dưới.
- Hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định: Dạ dày của trẻ cũng chưa phát triển hoàn thiện, trong giai đoạn này dạ dày trẻ nằm ngang và cao hơn so với người trưởng thành. Lúc này, cơ thắt 2 đầu dạ dày cũng đóng mở chưa đều nên thức ăn dễ bị trào ngược và lên phần thực quản.
- Một số trẻ bị bại não, nhiễm trùng toàn thân… cũng có khả năng mắc trào ngược dạ dày thực quản cao.
Nhận biết trẻ bị nôn trớ sinh lý hay bệnh lý?
Trào ngược sinh lý thường diễn ra trong thời gian ngắn, trẻ dưới 6 tháng tuổi, tự hết dần theo thời gian khi bé lớn lên. Bé có biểu hiện nôn trớ khi lần đầu thử thức ăn mới, hít nhiều hơi, uống sữa bò hay ăn bú quá no mà ba mẹ không để ý. Tuy nhiên trẻ vẫn ăn uống tốt, tăng cân bình thường, hơi thở không khò khè thì lúc này nôn trớ được coi là trào ngược sinh lý.
Khi hiện tượng nôn trớ kéo dài, xuất hiện muộn nhưng thường xuyên hơn, trẻ không tăng cân, khóc nhiều, kém ăn, bú, hơi thở khò khè thì có thể bé đã bị trào ngược dạ dày bệnh lý.
Những biểu hiện thường gặp ở bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
- Hay ho nhất là khi mới bú sữa mẹ.
- Nôn trớ nhiều, mạnh, bắn ra miệng.
- Hay khóc và thường không chịu ăn uống.
- Sút cân hoặc không tăng cân.
- Gặp vấn đề về hô hấp.
Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng có thể diễn biến nghiêm trọng hơn nếu không can thiệp kịp thời: nôn kèm máu, khó thở, thở khò khè, tím tái hoặc ngưng thở, có thể bị nhiễm trùng phổi...
Cách phòng chống chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Đối với trẻ còn bú mẹ
- Cho trẻ bú đúng tư thế: Với những trẻ còn đang bú mẹ thì khi cho con bú mẹ cần để bé áp sát vào thân mẹ, để đầu và thân bé thẳng hàng, miệng bé để ngang vú mẹ giúp bé dễ dàng bú được nhiều sữa mà không bị nuốt phải nhiều hơi. Trường hợp bé bú sữa ngoài bằng bình thì mẹ phải luôn đảm bảo trong lúc bé bú núm vú luôn đầy sữa để trẻ không bị nuốt nhiều hơi.
- Sau khi trẻ bú xong mẹ hãy bế thẳng bé lên ít nhất 20 phút , áp người bé vào mẹ và vỗ lưng nhẹ để cho bé ợ hơi. Nếu đặt bé nằm xuống hãy kê cao đầu trẻ lên, mẹ nên đặt cả phần vai và đầu của bé nằm trên gối.
- Một số loại sữa được điều chế riêng biệt cho trẻ hay bị nôn trớ dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ có thể mua sữa này về cho con bú.
Đối với trẻ đã ăn dặm
- Cho trẻ ăn làm nhiều lần trong ngày với số lượng thức ăn ít hơn. Thời gian giữa 2 lần ăn cách nhau tối thiểu là 2 giờ.
- Hạn chế cho trẻ ăn chất béo, dầu mỡ gây khó tiêu.
- Đối với những trẻ đã ăn cháo, mẹ nên nấu cháo đặc hơn một chút bằng cách cho thêm bột gạo với lượng phù hợp để bé ăn dễ dàng hơn, từ đó hấp thụ thêm nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng trong thức ăn.
- Có thể pha thêm 1 thìa ngũ cốc kết hợp với 2 thìa sữa bột khi pha sữa cho trẻ uống.
- Với những trẻ lớn bị trào ngược thực quản dạ dày mẹ nên hạn chế cho con dùng các loại thực phẩm có thể gây kích thích dạ dày như khoai tây, sốt cà chua, cam, quýt, socola, nước ngọt có gas...
- Nếu sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp chăm sóc trẻ bị trào ngược thực quản dạ dày theo hướng dẫn ở trên mà con vẫn nôn trớ nhiều, bỏ ăn ảnh hưởng đến sức khỏe thì cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc chữa căn bệnh này cần có sự chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho bé uống sẽ không đúng với tình trạng bệnh và không mang lại hiệu quả mong muốn.