Không chỉ là một loại rau ngon, bổ dưỡng trong gia đình, tầm bóp còn được biết đến như một vị thuốc nam giúp chữa trị được nhiều bệnh tật trong người. Khoa học và Phát triển xin giới thiệu đến quý độc giả một số công dụng tuyệt vời từ cây tầm bóp.

Cây tầm bóp.
Cây tầm bóp.


Tầm bóp là loài cây dại, thường mọc ở bờ ruộng, hàng rào, ven đường... thấy nhiều chủ yếu ở vùng nông thôn. Cây cao từ 50-90 cm, thuộc loài thân thảo nhưng hoa mọc đơn độc mà không theo từng chùm. Quả tròn mọng, có hình dạng đặc trưng, khi chưa chín có màu xanh và chuyển sang đỏ khi đã chín. Tất cả các bộ phận của cây tầm bóp đều có thể được dùng để chữa bệnh, tên dược là Herba physalis Angulatae.


Từ món rau ngon đến vị thuốc quý

Trong đông y, cây tầm bóp có vị đắng, tính mát, không độc, là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh:

- Rễ cây tươi nấu với tim lợn và chu sa ăn trị chứng đái tháo đường.

- Thân tươi nấu nước tắm cho trẻ em để trị rôm sảy khá hiệu quả.

- Quả tầm bóp hình tròn mọng như quả cà, bao ngoài là lớp vỏ mỏng giống lồng đền nên ở một vài địa phương còn có tên gọi là cây lồng đèn hay thù lù cạnh. Quả vị chua, có tác dụng rất tốt trong việc giải nhiệt, chữa các bệnh về thận, bài tiết, chữa ho, tiêu đờm…

- Lá cây tầm bóp rất tốt cho dạ dày, do đó ngoài việc dùng tầm bóp làm thuốc chữa bệnh người ta còn dùng thứ cây này như một vị rau ăn hàng ngày với những biến tấu đơn giản nhưng hấp dẫn: tầm bóp xào, luộc, nấu với thịt hay thậm chí lẩu rau tầm bóp đều ngon. Rau có vị hơi đắng nhưng thanh mát dễ ăn nên hiệu quả trong giải nhiệt và trị mụn nhọt.

Lá tầm bóp.
Lá tầm bóp.

Là loài cây hoang dại, tầm bóp ít được chú ý khai thác. Song vì cây mọc tự nhiên nơi hoang dã, hoàn toàn sạch nên ngày nay không chỉ các bà nội trợ nông thôn tìm kiếm mà ngay cả người thành thị cũng đang “săn lùng” loài rau này để chế biến những món ăn đảm bảo sức khỏe trong gia đình.

Một số bài thuốc từ cây tầm bóp

Toàn bộ cây tầm bóp đều có tác dụng chữa bệnh.
Toàn bộ cây tầm bóp đều có tác dụng chữa bệnh.

Cây tầm bóp trị nhọt vú, đinh độc: Dùng 40 - 80gr cây tươi giã vắt lấy nước uống, bã thì dùng đắp hoặc nấu nước rửa vết đau hàng ngày.

Cây tầm bóp trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, ho có đờm đặc, trị tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu, bệnh tay chân miệng: Dùng 15 - 30gr cây tầm bóp khô (tươi 50 - 100gr) sắc uống trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày liền.

Cây tầm bóp trị đái tháo đường: Rễ cây tầm bóp tươi (20 - 30gr) nấu với tim lợn và chu sa, cách 1 ngày dùng 1 lần, uống từ 5 - 7 ngày.