Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn gần một nửa số ca sa sút trí tuệ, nếu loại bỏ được 14 yếu tố nguy cơ liên quan đến cách chúng ta sống và giữ gìn sức khỏe.

Số người mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia) trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần gấp ba, lên 153 triệu người, vào năm 2050 và các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này là mối đe dọa ngày càng tăng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội. Các nghiên cứu cho thấy chi phí y tế và xã hội toàn cầu liên quan đến chứng sa sút trí tuệ vượt quá 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới do Lancet đặt hàng, 27 chuyên gia về chứng sa sút trí tuệ hàng đầu thế giới đã kết luận rằng có thể tránh hoặc trì hoãn nhiều trường hợp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo nghiên cứu nêu ra 14 yếu tố nguy cơ mà nếu chúng ta giải quyết từ thời thơ ấu và trong suốt cuộc đời thì có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn 45% trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ. Những phát hiện này đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế do Hiệp hội Alzheimer tổ chức ở ​​ Philadelphia, Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị, GS Gill Livingston - tác giả chính của nghiên cứu trên Lancet, cho biết: “Nhiều người tin rằng chứng sa sút trí tuệ không thể tránh khỏi nhưng thực tế không phải vậy. Báo cáo của chúng tôi kết luận rằng bạn có thể tăng đáng kể khả năng không mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc đẩy lùi thời điểm khởi phát."

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để hành động, bà nói. "Mọi người ở mọi giai đoạn của cuộc đời, từ trẻ em đến người già, đều có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ – căn bệnh không có thuốc chữa – hoặc ít nhất là chống chọi hiệu quả nhất với bệnh."

Dựa trên bằng chứng mới nhất, các tác giả bổ sung thêm hai yếu tố nguy cơ liên quan đến 9% trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ. Khoảng 7% trường hợp liên quan đến mật độ Lipoprotein (chất điều chuyển triglyceride và cholesterol trong máu) thấp hay tình trạng cholesterol “xấu” ở tuổi trung niên. Trong khi đó, mất thị lực không được điều trị ở tuổi già liên quan đến khoảng 2% trường hợp.

Theo Livingston, những yếu tố rủi ro mới này, ngoài 12 yếu tố được ủy ban Lancet xác định vào năm 2020, cùng nhau gây ra khoảng 36% trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ. Các yếu tố đó là trình độ học vấn thấp, khiếm thính, huyết áp cao, hút thuốc, béo phì, trầm cảm, ít hoạt động thể chất, tiểu đường, uống rượu quá mức, chấn thương sọ não, ô nhiễm không khí và sống cô lập với xã hội.

Viết trong báo cáo mới trên Lancet, các chuyên gia cho biết: “Khả năng phòng ngừa là rất cao. Nhìn chung, gần một nửa số ca sa sút trí tuệ, về mặt lý thuyết, có thể được ngăn ngừa bằng cách loại bỏ 14 yếu tố nguy cơ này. Những phát hiện này mang lại hy vọng".

Livingston cho biết cũng có bằng chứng mới cho thấy việc giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ không chỉ giúp tăng số năm sống khỏe mạnh, mà còn giảm thời gian người bệnh phải chịu tình trạng sức khoẻ kém trong trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ.

Bà nói: “Lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hoạt động nhận thức ở tuổi trung niên - bao gồm cả việc học thêm - và tránh uống rượu quá mức có khả năng làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và đẩy lùi thời điểm chứng sa sút trí tuệ khởi phát”. Đẩy lùi thời điểm khởi phát đồng nghĩa với việc những người mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ phải sống chung với nó trong thời gian ngắn hơn. "Điều này có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng sống của các cá nhân cũng như lợi ích tiết kiệm chi phí cho xã hội”, bà lưu ý.

Livingston cho biết một trong những điều dễ dàng nhất mà ai cũng có thể làm để ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ là kết hợp một số bài tập thể dục trong ngày nếu họ chủ yếu ít vận động, có thể là đi bộ hoặc thậm chí là bài tập trong tư thế ngồi.

TS Susan Kohlhaas - Giám đốc điều hành nghiên cứu tại Alzheimer's Research UK, nơi tài trợ cho nghiên cứu trên Lancet, cảnh báo rằng tuổi tác và di truyền vẫn là những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra chứng mất sa sút trí tuệ. Nhưng Kohlhass lưu ý việc phát hiện một số yếu tố sức khỏe và lối sống khác là “tin tốt” vì nó mang lại “cơ hội lớn” cho người dân và chính phủ đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm bớt tác động nguy hại của chứng sa sút trí tuệ đối với xã hội và các cá nhân trong tương lai.

Nguồn: