Nguy cơ sa sút trí tuệ có thể giảm nếu ta giảm khẩu phần thịt đỏ chế biến và tăng khẩu phần các loạt hạt và đậu.
Một nghiên cứu sơ bộ mới đây phát hiện ra rằng, những người ăn khoảng 28g thịt đỏ chế biến mỗi ngày - tương đương với khoảng 2 khẩu phần mỗi tuần - sẽ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 14% so với những người ăn khoảng 3 khẩu phần thịt mỗi tháng.
Các loại thịt đỏ chế biến bao gồm thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội, salami, kielbasa v.v và theo quy ước quốc tế, mỗi khẩu phần tương đương khoảng 85 gram.
Đồng thời, nguy cơ sa sút trí tuệ sẽ giảm 20% đối với những người có thể thay thế lượng thịt đỏ chế biến ăn hằng ngày bằng các loại hạt và đậu.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị quốc tế do Hiệp hội Alzheimer tổ chức ở Philadelphia vào cuối tháng 7/2024. Bản thảo của nghiên cứu đang được xem xét để xuất bản.
Về cơ bản, các loại thịt đỏ chế biến thường chứa hàm lượng natri, nitrat và chất béo bão hòa cao. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ăn nhiều loại thịt này có mối liên hệ chặt chẽ đến sự phát triển của các bệnh như ung thư đại trực tràng, tiểu đường týp 2, tim mạch và đột quỵ.
"Chúng ta có thể làm nhiều điều để giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí nhớ, bắt đầu từ những việc mà chúng ta đã biết là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch," TS. Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nhận xét.
TS. David Katz, chuyên gia về y học dự phòng và lối sống, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này thuộc loại quan sát và chỉ có thể cho thấy mối liên hệ giữa thịt đỏ chế biến và bệnh Alzheimer chứ không nhất thiết là quan hệ nhân-quả. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng mối liên hệ này rất có thể là nguyên nhân, "bởi vì các yếu tố nguy cơ chính của bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức cũng là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, mà thịt chế biến lại liên quan chặt chẽ đến bệnh tim mạch.”
Trong 30 năm qua, cứ hai đến bốn năm một lần, các nhà nghiên cứu Mỹ lại thu thập dữ liệu về chế độ ăn uống từ hơn 130.000 người dân tham gia các khảo sát lớn miễn phí về sức khỏe.
Người tham gia (cả nam và nữ) được hỏi về tần suất tiêu thụ khẩu phần thịt đỏ chế biến, có thể là hai lát thịt xông khói, một cây hot dog, hai cây xúc xích nhỏ hoặc kielbasa, sandwich thịt nguội, bologna hoặc các loại thịt chế biến khác.
Ngoài ra, họ cũng được hỏi về tần suất tiêu thụ các loại hạt và đậu, chẳng hạn như bao lâu họ ăn một muỗng bơ đậu phộng; 28 gram lạc, quả óc chó hoặc các loại hạt khác; uống một cốc sữa đậu nành 240ml; nửa cốc sữa đậu xanh, đậu lăng, đậu hà lan, đậu lima; hoặc ăn một khẩu phần đậu phụ hoặc protein đậu nành.
TS. Maria Carrillo, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Alzheimer, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, các loại đậu và hạt là những “thực phẩm chống viêm”, do vậy người ta dùng chúng vì rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể chứ không chỉ để thay thế thịt chế biến.
Ngoài việc giảm 14% khả năng nhận thức liên quan đến ăn 2 khẩu phần thịt đỏ chế biến mỗi tuần, nghiên cứu còn phát hiện nguy cơ tăng lên khi tiêu thụ nhiều thịt đỏ hơn. Mỗi khẩu phần thịt đỏ chế biến ăn thêm mỗi ngày tương đương với tăng 1,61 năm lão hóa nhận thức tổng thể và 1,69 năm lão hóa nhận thức về trí nhớ ngôn ngữ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ chế độ ăn giàu thịt sang chế độ ăn chay không đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. GS. Christopher Gardner đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Dinh dưỡng tại Đại học Standford, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng: “Thay vì tập trung vào lợi ích và tác hại của các loại thực phẩm tốt cho tim mạch cụ thể, hãy cố gắng tập trung vào một mô hình ăn uống tổng thể”.
Ông chỉ ra rằng, nếu chỉ tập trung vào một chất dinh dưỡng tốt cho tim, người ta có thể dễ dàng thêm chất dinh dưỡng đó vào thực phẩm và tuyên bố đó là thực phẩm lành mạnh, trong khi thực tế không phải vậy. Hoặc nếu có một siêu thực phẩm - ví dụ như hạt chia - người ta có thể lấy nó rắc lên một loại đồ uống không lành mạnh và tự nhủ, 'À, giờ tôi đã được bảo vệ sức khỏe rồi.' Không phải như thế. Nó cần phải là một mô hình ăn uống lành mạnh tổng thể.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, các chế độ ăn uống đã từng đạt danh hiệu chế độ ăn uống tổng thể tốt nhất năm 2024 (do hội đồng chuyên gia y tế và dinh dưỡng của tạp chí
U.S. News đánh giá) - ví dụ như ăn kiểu Địa Trung Hải (Mediterranean) hoặc chế độ ăn để ngăn ngừa huyết áp cao (DASH) không chỉ là một chế độ dinh dưỡng mà còn là lối sống. Cả hai đều tập trung vào việc nấu nướng đơn giản, dựa trên thực vật, với phần lớn mỗi bữa ăn tập trung vào trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt cứng và rau mầm. Trong những chế độ ăn này, việc tiêu thụ thịt đỏ bị hạn chế, thay vào đó là các loại cá béo lành mạnh chứa nhiều axit béo omega-3 tốt cho não, cùng với các loại thịt nạc như thịt gia cầm và thăn lợn.
Theo các chuyên gia, một cách dễ dàng để bắt đầu chế độ ăn ít thịt là mỗi tuần nấu một bữa ăn chỉ dùng đậu, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ, bổ sung thêm thảo mộc và gia vị để tăng hương vị. Khi thói quen ăn một bữa không thịt mỗi tuần trở nên dễ dàng, hãy tăng lên hai bữa và tiếp tục xây dựng các bữa ăn không thịt từ đó. Một cách khác là thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ chọn bánh mì và mì ống làm từ bột mì nguyên cám, hoặc thay thế gạo trắng bằng gạo nâu hoặc gạo lứt.
Nguồn: