Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, truyền từ súc vật sang người do ăn thịt các động vật mắc bệnh nhiệt than hoặc tiếp xúc với súc vật ở những nghề nghiệp nhất định. Hiện nay, bệnh than còn là một trong những bệnh truyền nhiễm được sử dụng trong khủng bố sinh học.
Bệnh than là gì?
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do một loại vi khuẩn gam dương, hình que gọi là Bacillus anthracis gây ra. Mầm bệnh than theo tự nhiên có ở trong đất và thường ảnh hưởng đến các động vật nuôi và động vật hoang dã trên khắp thế giới. Mặc dù hiếm gặp ở Hoa Kì, mọi người có thể bị ốm vì bệnh than nếu họ tiếp xúc với các động vật bị bệnh hay các sản phẩm từ động vật bị nhiễm mầm bệnh.
Việc tiếp xúc với mầm bệnh than có thể gây ra tình trạng đau ốm nghiêm trọng cho cả người và động vật. Bệnh than không dễ lây lan, có nghĩa là bạn không thể nhiễm bệnh này giống như cảm lạnh hay cúm.
Nguyên nhân gây bệnh than
Bệnh than khởi phát do nhiễm bào tử của B. anthracis, một trực khuẩn Gram dương trong đất. Bào tử không phân chia, không chuyển hóa và đề kháng với nhiệt, khô hạn, tia cực tím, bức xạ gamma và nhiều chất sát khuẩn (Watson & Keir, 1994).
Ở môi trường đất thích hợp, bào tử có thể tồn tại ở dạng tiềm sinh trong vài thập kỷ. Chính vì thế bào tử vi khuẩn bệnh than được một số nước dùng làm vũ khí sinh học. Tất cả những gen độc lực của B. anthracis đều xuất phát từ sự nảy mầm của bào tử trong cơ thể. Hình 1 tóm tắt quá trình nhiễm khuẩn và biểu hiện lâm sàng của bệnh than.
Đường lây của bệnh than
Đường lây chủ yếu là đường da-niêm mạc (da sây sát và niêm mạc), do tiếp xúc với mầm bệnh từ các động vật bị bệnh, chết hoặc các sản phẩm từ các động vật này (da, lông...) hoặc nha bào ở đất (lây gián tiếp).
Thứ yếu: Lây qua đường hô hấp do hít phải bụi có nha bào than (gặp trong xưởng thuộc da, chế biến lông động vật...). Trong chiến tranh sinh học, kẻ địch thường áp dụng đường lây hô hấp (phun nha bào than dạng aerosol).
Đường tiêu hóa: do ăn thịt nhiễm mầm bệnh.
Có tài liệu đề cập đến lây theo đường máu qua các côn trùng hút máu (ruồi trâu, ruồi vàng...).
Biểu hiện của bệnh than
Bệnh than ngoài da chiếm 95% các trường hợp nhiễm bệnh than, thường do tiếp xúc với động vật mắc bệnh.
Vị trí tổn thương thường ở đầu cổ, các chi.
Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày. Trong vòng 24-36 giờ, sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng kèm phù chung quanh với những bọng nước đỏ tím.
Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt chứng tỏ có bội nhiễm, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn (Edwards MS, 1992). Phù ở mặt, cổ thường lan rộng hơn so với phù ở thân hoặc các chi.
Ngoài ra, bệnh than còn xuất hiện ở đường tiêu hóa, họng – thanh quản, hố hấp và màng não.
Cách điều trị bệnh than
Cần điều trị thật sớm. Cách ly bệnh nhân trong buồng riêng, nhân viên phục vụ phải có găng, ủng phòng bệnh.
- Kháng sinh
Penicilin G 4.000.000UI tiêm tĩnh mạch mỗi 4-6giờ x 7-10 ngày.
Hoặc: Ciprofloxacin 400mg mỗi 8-12 giờ. Tetracyclin 0,4 g/lần (hay Doxycyclin 100 mg)x4 lần/ngày x 7-10 ngày.
Các kháng sinh thay thế khác: erythromycin, amoxicillin, chloramphenicol...
Đối với thể hô hấp, tiêu hoá: cần dùng liều cao hơn và phải kết hợp hồi sức.
Các thuốc trợ tim mạch, bổ sung nước và điện giải.
Không được trích rạch các mụn vì dễ gây nhiễm khuẩn huyết.
Nếu có Gamma globulin đặc hiệu hoặc huyết thanh kháng độc tố than thì dùng tốt.
- Tiêu chuẩn ra viện
Khỏi về lâm sàng: Hết sốt, ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường, bạch cầu máu ngoại vi bình thường... Đối với thể da: mụn than đã bong vảy, liền sẹo.
Xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính ở đờm, phân, máu, cách nhau 5 ngày.
Cách phòng bệnh than:
- Phòng bệnh chung
Đảm bảo đúng chế độ kiểm dịch động vật. Các động vật ốm không được giết mổ thịt. Động vật ốm chết vì bệnh than phải được chôn sâu, khử trùng tẩy uế đúng quy định...
Công nhân các lò sát sinh, xưởng chế biến sản phẩm từ động vật (thịt, xương, da, lông...) cần thực hiện đúng các quy định bảo vệ, định kỳ kiểm tra sức khoẻ, các tổn thương da nhiễm khuẩn cần được điều trị tốt...
Khử trùng, tẩy uế các chất thải của người và động vật ốm.
- Đặc hiệu
Phòng bệnh cho người và động vật có nguy cơ cao bằng vacxin BioThraxT.
Điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng ciprofloxacin (500mg uống 2 lần/ngày) hoặc doxycyclin (100mg x 2 lần/ngày). Thời gian điều trị sau phơi nhiễm là trên 6 tuần.