Bộ Y tế vừa ra công văn gửi các đơn vị y tế trên toàn quốc đề nghị không áp dụng phương pháp gây tê tủy sống (phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai) với một số trường hợp sản phụ. Vậy phương pháp này là gì và có tác dụng phụ nào?

Theo văn bản của Bộ Y tế, sau khi tiến hành theo dõi, giám sát và thẩm định những trường hợp sản phụ tử vong tại các địa phương cũng như tiếp thu ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong số các trường hợp mổ lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Ảnh minh họa.

Phương pháp gây tê tủy sống là gì?

Gây tê tủy sống là gây tê dưới màng cứng hay tê dưới màng nhện, là một phương pháp gây tê vùng, thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hòa chung vào dịch não tủy và sẽ tác dụng vào các rễ thần kinh gây nên mất cảm giác, liệt vận động.

Tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống

Theo giáo sư John S. McDonald - chủ nhiệm khoa gây tê và giáo sư sản khoa tại Trung tâm y tế Đại học California, Los Angeles, Mỹ - phương pháp gây tê tủy sống đang là phương pháp được ưa chuộng khi đẻ mổ do tỉ lệ tự vong thấp hơn so với phương pháp gây tê tổng quát. Ngoài ra, gây tê tủy sống cho phép bà mẹ tỉnh táo trong quá trình sinh nở, hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với thuốc mê, giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ và cuối cùng là có thể kiểm soát được cơn đau sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều tác dụng phụ như:

+ Sản phụ sử dụng phương pháp gây tê tủy sống dễ gặp phải tình trạng bị hụt hơi, tê liệt và nôn mửa. Nguy cơ này cao hơn khi sản phụ là người béo phì hoặc thấp. Hiện tượng này có thể điều trị được bằng thuốc tiêm tĩnh mạch.

+ Khó tiểu sau sinh là một phản ứng phụ khác của phương thức này, tuy nhiên nó sẽ nhanh chóng kết thúc. Nguyên nhân được cho là do các dây thần kinh phụ chịu trách nhiệm đưa tín hiệu, kích thích bàng quang sẽ cần thời gian hồi phục sau khi bị gây tê. Điều này sẽ gây khó chịu cho bệnh nhân và thường các bác sĩ phải chèn một ống thông để nước tiều thoát ra từ bàng quang.

+ Chỗ đưa kim để dẫn thuốc tê vào có thể sẽ khiến sản phụ bị đau lưng trong một thời gian (ngắn hay dài còn tùy thuộc cơ địa sản phụ). Nguyên nhân là việc chèn kim vào tủy sống có thể dẫn tới tổn thương mô trong tủy.

+ Hiện tượng nhức đầu sau sinh là do hậu quả của việc rò rỉ dịch tủy sống từ màng cứng – một màng mỏng giữ dịch não tủy. Theo tờ Parent Herald, hiện tượng này ngày nay đã bớt trầm trọng hơn bởi bác sĩ đang sử dụng những loại kim mỏng và nhỏ hơn, nên lượng dịch tủy bị thoát ra ngoài ít hơn, dẫn tới tình trạng đau đầu giảm thiểu hơn.